Hân Hoan Chào Đón Quí Vị Quan Khách, các Niên Trưởng cùng tất cả các Chiến Hữu đến với Cuốn Bút Ký Chiến trường: "Trên Vòm Trời Lửa Đạn"

Thursday, February 23, 2012

Nhà Văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị nói chuyện với tác giả TVTLD


1/TSLXN:   Xin kính chào anh Vĩnh Hiếu.  Tôi vừa đọc xong cuốn TVTLĐ của anh, và phải nói với anh rằng tôi đã đọc một cách say mê.  Vì thì giờ hiếm hoi, đi làm tôi cũng bỏ cuốn sách của anh trên xe để đọc khi bị kẹt xe, khi vào quán phở vân vân.  Trước khi đọc TVTLĐ, tôi biết anh có viết lai rai đó đây, nhưng tôi chưa có dịp để đọc anh, mãi cho đến bây giờ mới có dịp, có lẽ cũng vì chưa có duyên.  Trước khi phỏng vấn, xin anh cho tôi trình bày vài cảm nghĩ của tôi về cuốn TVTLĐ. 
Trước hết, đây là một cuốn bút ký rất người, rất thật, viết về cuộc đời của những nhân viên phi hành trực thăng Việt Nam với đầy đủ vui buồn, vinh nhục, sướng khổ.  Kể từ trước và sau năm 75, tôi đã được đọc nhiều bút ký chiến trường của đủ mọi quân binh chủng của QLVNCH và tôi nhận xét được một điều này: Tất cả những bút ký chiến tranh của những người lính, (không phải của những ông tướng) đều rất người, rất thật, với nhiều chi tiết chính xác đến mức ngạc nhiên, với những lòng yêu nước sâu độ tưởng chỉ có trong xi-nê hay tiểu thuyết.  Chuyện này rất dễ hiểu bởi những người đã từng thật sự cầm súng, từng nằm gai nếm mật, lăn xã giữa hòn tên mũi đạn, chịu trăm cay nghìn đắng, lăn vào chỗ chết thì khó mà quên được những đoạn đường chông gai và đầy mồ hôi và nước mắt mà mình đã đi qua.  Mỗi một quân binh chủng, bộ binh hay không quân hay hải quân, trên trời hay dưới đất hay trên sông biển, luôn luôn có những khó khăn và nguy hiểm riêng, những tình huống và sự nhận xét khác nhau làm cho người đọc rất là thích thú. Như cái nguy hiểm của người lính bộ binh là đại pháo, là mìn bẫy, là xe tăng, của người nhân viên phi hành là cây phòng không, cây SA-7 vân vân.  Làm người ai lại chẳng sợ chết phải không anh.  Nhưng điều đáng nói là dù sợ nhưng chúng ta cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Không hiểu vì một lý do nào đó, tôi đọc qua chừng vài chục trang đầu của anh là tôi thấy văn phong của anh có cái "Air" của Không Quân trong đó. Cái "Air" khó mà nói hay định nghĩa được.  Nó nhẹ nhàng đơn sơ, hơi lè phè, rất thành thật, không cầu kỳ, không quy tắc, không chải chuốt cho bóng bẩy, đôi khi cũng ngang tàng nóng nẩy, nhưng  đôi khi lại mộng mơ, rất đam mê, và cả ngây thơ nữa.  Nhưng quan trọng hơn cả, trong tất cả những thứ đó chỉ là bề ngoài, bao bọc một tình yêu thương tổ quốc đồng bào, tinh thần trách nhiệm cao độ, và sẵn sàng hy sinh tất cả cho những gì mình tin tưởng của anh.  Không biết có ai nói với anh những chuyện này chưa và xin cho biết anh nghĩ như thế nào về những nhận xét này?

Vĩnh Hiếu: Thưa anh, trong thời gian qua tôi đã nhận được nhiều lời phê bình của nhiều độc giả cũng như lời bình phẩm của một số văn nhân về cuốn bút ký này. Mỗi người đều có một cái nhìn qua nhiều góc cạnh cũng như lăng kính khác nhau. Riêng về những cảm nghĩ của anh, dưới đôi mắt của một phi công cũng là một nhà văn không quân, đã làm cho tôi thích thú và cảm động. Tôi xin thành thật đón nhận với lời cảm ơn chân thành.

2/TSLXN:  Tôi đoán, TVTLĐ là một tập họp những bài bút ký ngắn mà anh đã viết rồi gom lại, cho in thành sách, không biết có đúng không?  Nếu đúng thì anh viết cuốn này trong bao nhiêu lâu?  Và trong những trường hợp nào?

Vĩnh Hiếu: Thưa anh, đúng như vậy. Đây là một cuốn sách được tập hợp bởi nhiều bài viết ngắn. Viết lách chỉ là một trong những thú giải trí nên tôi chỉ viết khi nào rảnh rỗi hay có hứng khởi, bởi vậy từ đoạn đường bắt đầu đến khi đúc kết thành cuốn sách đã kéo dài hơn mười mấy năm.

3/TSLXN:  Lý do nào khiến anh cầm bút?  Anh bắt đầu cầm bút từ lúc nào?

Vĩnh Hiếu: Tôi khởi sự viết từ đầu năm 90, trong bài “Cao Điểm 601”. Đó là một trận đánh rất đặc biệt tại vùng Bình Định, trong đó tôi đã áp dụng một chiến thuật mới cho trực thăng võ trang để triệt hạ khẩu phòng không của địch. Như đã nói trên, cầm bút là một trong những thú tiêu khiển trong những lúc nhàn rỗi, nhưng nó cũng có những mục đích khác. Trước tiên tôi cũng muốn ghi lại những giây phút mà tôi yêu mê, thích thú trong cuộc đời phi công trực thăng đồng thời tôi muốn viết để vinh danh Quân lực VNCH và những chiến sĩ đã bỏ mình vì Tổ Quốc. Ngoài ra, tôi cũng muốn nói lên thực trạng của một cuộc chiến đã bị nhìn sai lạc, hay bóp méo vì sự thiếu hiểu biết hay vì quyền lợi riêng tư của một số người.

4/ TSLXN: Ở Việt Nam anh có bao giờ cầm bút chưa?   Và ngoài tập bút ký TVTLĐ này, anh còn có những tác phẩm nào khác đã trình làng hay sắp sửa trình làng không?

Vĩnh Hiếu: Thưa anh, là một sĩ quan, tác chiến triền miên qua những năm tháng lửa đạn, tôi chưa từng có cơ hội để cầm bút và cũng chưa bao giờ có một ý nghĩ là sẽ trở thành một nhà văn.
Hiện tại tôi đang có một hoài vọng là chuyển ra Anh ngữ tập bút ký TVTLD. Đó cũng là một mộng tưởng “đội đá vá trời”. Ngôn ngữ của người Việt mình rất phong phú và đa dạng nên cần một người có một trình độ về Anh ngữ cũng như kỹ thuật viết lách cao mới có thể diễn đạt hết ý. Đó là chưa nói tới đến kiến thức về quân đội cũng như về ngành chuyên môn trực thăng mà người dịch phải có.
 Trong lúc này tôi cũng đang viết thêm những tác phẩm nhỏ khác, và hy vọng trong một ngày gần đây có đủ để đúc kết một bút ký tương tự.

5/ TSLXN: Viết một bút ký chiến tranh mới nhìn ai cũng tưởng là đơn giản nhưng thật sự không phải vậy.  Cái khó nhất là viết cho đúng chi tiết, thời gian của những trận đánh mà mình đã tham dự bởi vì, nếu viết trật những chi tiết dù nhỏ, nó cũng làm mất đi giá trị của bài bút ký.  Đối với những tác giả Mỹ, có khi họ bỏ ra nhiều năm để tra cứu tài liệu, đi phỏng vấn nhiều người vân vân.  Riêng anh, anh chuẩn bị bút ký của anh như thế nào?  Anh có phỏng vấn bạn bè, tìm lại tài liệu cũ và có bị mất nhiều thì giờ lắm không?

           Vĩnh Hiếu: Thưa anh, chính xác như vậy. Viết bút ký chiến trường rất mất thì giờ. Cái khó của nó là đúng sự thật, nhưng sau mấy chục năm qua, làm sao mà mình có thể nhớ lại hết. Đó là một vấn đề.  Như anh đã nói trên, chỉ cần một vài chi tiết nhỏ trong bài viết không chính xác,hay sai sự thật, nó sẽ làm mất lòng tin của độc giả, và làm cho tác phẩm không còn gía trị nữa.
Chính vì vậy, cho dù chi tiết nhỏ nhặt tới đâu, tôi cũng luôn luôn thận trọng và cân nhắc, kiểm chứng nhiều lần qua bạn bè hay những nhân vật có dính dáng tới đề tài trong bài viết. Qua kinh nghiệm nhiều điều đã làm tôi khá ngạc nhiên, là ngay cả như những cá nhân thực sự tham dự những trận đánh mà tôi muốn viết, họ cũng không còn nhớ hay là cho những chi tiết không chính xác. Do đó, đôi khi tôi phải phối hợp nhiều nguồn tin khác nhau để đưa đến kết luận.

6/ TSLXN: Xin anh có thể cho độc giả biết chút tiểu sử và “lý lịch quân nhân” của anh?

Vĩnh Hiếu: Cuộc đời quân ngũ của tôi rất là đơn giản. Từ khi gia nhập quân đội đầu năm 1968, để trở thành một hoa tiêu trực thăng võ trang, tôi chỉ phục vụ một đơn vị duy nhất cho đến ngày mất nước, đó là Phi đoàn 215 Thần Tượng, trực thuộc Không đoàn 62 Chiến Thuật, Sư đoàn 2 Không quân, trú đóng tại Nha Trang. Đối với tôi, đó là một điều vô cùng may mắn, vì được làm việc cho một đơn vị ngay tại quê nhà, Nha Trang là quê hương thứ hai. Tại đơn vị này, đầu năm 72 tôi được lên làm phi đội trưởng phi đội trực thăng võ trang cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến.

7/TSLXN:  Không phải là tôi "Thấy người sang bắt quàng làm họ" nhưng tôi với anh có nhiều điểm giống nhau.  Trước hết, tôi cũng là phi công như anh.  Phi đoàn tôi, 114, cũng ở Nha Trang và gần phi đoàn anh.  Tôi cũng đã tham gia hầu như tất cả những trận đánh, những địa danh ở miền Tam Biên mà anh đã tham dự.  (Điều khác nhau là bay L-19 thì ít nguy hiểm hơn trực thăng các anh.)  Tôi cũng đã từng chịu cái lạnh chết người của mùa Đông Quảng Đức, những cơn mưa dầm dai dẳng của Pleiku, cái nắng như đổ lửa của phi trường Phù Cát, những trái pháo long trời lở đất ở phi trường KonTum hay Pleiku trong Mùa hè đỏ lửa…  Nhưng đồng thời, cũng được ngồi uống những ly cà phê sáng ngọt ngào ở Đà Lạt, cũng được đem về chục bó Hồng Nhung từ thành phố này mỗi khi TDY về để tặng đào, và cũng lăn quay điên cuồng trong những đêm dạ vũ hay những buổi nhậu ở thành phố Nha Trang cát trắng, cũng được quen biết với những nhân vật lừng danh như thiếu tá Trương Minh Dũng với cái điếu cày và những vần thơ tuyệt tác như "Ta cũng đã một thời Tam Biên oai trấn, Lạnh tím người ba biên giới mưa bay"...
Tôi muốn hỏi anh, sau bao nhiêu năm trời xa cách, nói về Nha Trang, đặc biệt, đây là nơi anh đã lớn lên từ thuở bé, nơi anh đã từng mặc áo lính để gìn giữ quê hương, anh nhớ cái gì nhất?

Vĩnh Hiếu: Có lẽ ai đã từng ở hay đến viếng thành phố thùy dương cát trắng đều công nhận đây là một thành phồ hiền hòa, đẹp tuyệt vời với khi hậu ôn hòa quanh năm. Theo gia đình đến Nha Trang từ lúc năm sáu tuổi, được sống trong một ngôi nhà gần biển nên biển cả đối với tôi là một cái gì quen thuộc và đáng yêu. Đến khi lớn lên sau những năm trung học, tôi đầu quân gia nhập không quân để trở thành một hoa tiêu. Từ đó, tôi vẫn được sống tại quê nhà dưới bộ áo bay để ngày ngày bay vào vùng lửa đạn, chiều vàng trở về nhìn lại biển xanh, thấy lại thành phố thân yêu từ trên bầu trời cao…
Trong thời gian phục vụ cho phi đoàn Thần Tượng, tôi có rất nhiều hình ảnh cũng như kỷ niệm đẹp. Một trong những kỷ niệm đó là một phi vụ giải lao cho anh em phi hành đoàn Thần Tượng sau trận chiến “mùa hè đỏ lửa”, trong đó có sự tham dự của Tướng Minh Tư Lệnh KQ. Hôm đó là một sáng chủ nhật nắng đẹp, ba chiếc trực thăng chở đầy nhân viên phi hành đoàn và gia đình, trên tàu chứa đầy thức ăn thức uống đáp xuống Hòn Tre để pinic. Ở khoảng giữa trưa, tôi phải bay về câu lạc bộ phi đoàn để lấy nước đá. Leo lên chiếc trực thăng một mình với anh xạ thủ, trên người bận độc trong chiếc quần tắm, bay lướt sát mặt nước trong xanh, những ngọn sóng lăn tăn tưởng chừng như gần chạm mũi tàu. Còn cảm giác tuyệt vời hơn nữa? Bởi thế, đến khi thành phố Nha Trang lọt vào tay CS, tôi cảm thấy lúc đó như quê hương đã thực sự mất đi rồi.

8/ TSLXN: Trong sách anh có kể lại cái tai nạn tại sân cờ Không Đoàn 62 nhân ngày phi diễn và tôi cũng còn nhớ chuyện này.  Hôm đó tôi đang TDY Pleiku, lên trời thật cao, cỡ 9 ngàn bộ để vào tần số phi trường Nha trang nghe mấy anh tập dợt trước khi phi diễn.  Sau đó, trước khi cuộc phi diễn xảy ra thì tôi về đáp.  Vài tiếng đồng hồ sau, tôi nghe tin tai nạn đã xảy ra.  Thật là một chuyện đau lòng.  Tôi nghe nói Đại tá Lạc đã khóc buổi sáng hôm đó.  Đọc lại đoạn văn tả, tôi vẫn còn thấy muốn nổi da gà.  Theo anh, một tai nạn như thế có thể tránh được không nếu phi hành đoàn thận trọng hơn nữa?

              Vĩnh Hiếu: Phi diễn trong ngành trực thăng có lẽ là nguy hiểm hơn tất cả. Hãy thử tưởng tượng những cách quạt khổng lồ quay vùn vụt với vận tốc hơn sáu ngàn vòng một phút, sát bên nhau, nhiều lúc cho cảm tưởng gần chồng lên nhau, thì cảm giác của phi công sẽ như thế nào?
 Tôi đã kinh nghiệm trong nhiều lần bay “close formation”, hoa tiêu luôn muốn bay thật gần, như để chứng tỏ khả năng lèo lái con tàu của mình. Họ quên rằng có những yếu tố bất ngờ có thể đưa đến tai nạn như gió lốc, F.O.D (Foreign Object Damage) như trường hợp tại nạn phi diễn xảy ra trên sân cờ Không đoàn 62 Chiến Thuật. Đó là chưa nói đến những lỗi lầm của hoa tiêu. Bởi vậy, yếu tố tiên quyết để tránh tai nạn là chọn hoa tiêu đủ kinh nghiệm để bay phi diễn. Thứ hai là phải giữ khoảng cách an toàn tối thiểu, không nên bay quá gần.

9/ TSLXN:Tôi cũng là một trong những chiếc phi cơ cất cánh ngày cuối cùng ở thành phố Nha Trang.  Tôi còn nhớ mãi sáng hôm đó, BĐQ từ Pleiku về đang ở ngoài hàng rào phòng thủ và nhất định đòi vào phi trường.  Tình hình rất là gay cấn, và một cuộc bắn giết có thể xảy ra bất cứ lúc nào.  Tôi còn nhớ tướng Lượng và một cận vệ lái chiếc xe díp xanh ca-pô bầu đi khắp nơi trong phi trường để kiểm soát anh em.  May mà nhờ sự thương lượng khéo léo của các cấp cao, đã không có một đáng tiếc nào xảy ra.
Đọc lại bút ký của anh, tôi thấy trường hợp của anh quả thật là hi hữu hơn tôi rất nhiều, nhất là đoạn đã về tới Phan Rang rồi mà còn lái trực thăng về lại Nha Trang vào buổi chiều sau khi tất cả sư đoàn đã di tản.  Anh thật là một người rất tốt với bạn bè.  Anh nghĩ sao về chuyện này?

Vĩnh Hiếu: Có lẽ cuộc sống của một người hoa tiêu trực thăng võ trang đối đầu cái sống cái chết đã quen, nên tôi không thấy chuyện lái máy bay trở lại Nha Trang đêm hôm đó là nguy hiểm. Vả lại đó là một phi vụ bay đêm nên Việt cộng sẽ không thấy chiếc trực thăng khi đèn bên ngoài đã được tắt, nên trường hợp bị bắn trúng sẽ giảm thiểu rất nhiều. Hành động bằng lòng đưa Trung Tá Thông về lại Nha Trang đối với tôi là một điều nên làm, để giúp cho một NT trong lúc cần thiết.

10/ TSLXN: Đọc bút ký của anh, tôi để ý thấy anh có một thói quen là, sau một pha bay bỗng gay go hay  thoát chết, anh hay giao cần lái cho co-pilot để tận hưởng một điếu thuốc lá.  Tôi cũng có thói quen này.  Có nhiều khi, tôi kẹp điếu thuốc lá vào môi rồi mà mò không ra cái bật lửa vì thần kinh quá căng thẳng.  Thật là thú vị phải không anh.  Tôi xin tò mò, hồi đó anh hút thuốc lá gì và bây giờ có còn hút không?

Vĩnh Hiếu: Những ai đã từng hút thuốc lá đều biết, những lúc có vấn đề cần phải suy nghĩ, hay sau những giây phút căng thẳng thì sự đòi hỏi hút thuốc càng nhiều, và hút càng thấy ngon hơn. Như anh nói đúng, sau những vụ thả toán hoặc đụng độ rứt tim tôi thường tự thưởng bằng một điếu thuốc lá sau khi giao cần lái cho co-pilot. Lúc xưa, tôi thường là hút thuốc Capstan, nhưng những lúc “trúng mối” rủng rỉnh thì hút Winston. Tới giờ phút này tôi không còn được hưởng cái thú đó nữa, cho dù nhiều lúc vẫn còn thèm.

11/ TSLXN:Ngày cuối cùng ở Việt Nam và cuộc ra đi anh mô tả cũng thật là hồi hộp và gay cấn chẳng khác gì một pha trong phim nghẹt thở.  Tôi tự hỏi, nếu các anh không "đụng" chiếc tàu dầu thì tình huống không biết sẽ ra sao. Có lẽ tất cả đều rớt xuống biển.  Từ những kinh nghiệm này anh có nghĩ cuộc đời mình ai cũng có một số mạng không?  Như chuyện tại sao có nhiều người đã vào được phi trường rồi lại bỏ ra, và kẹt lại.  Người muốn đi thì đi không được và nhiều người không muốn đi thì lại đi được.

Vĩnh Hiếu: Có lẽ những ai đã từng vào sinh ra tử thường nghĩ đến thuyết định mệnh. Như cá nhân tôi, rất nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẻ tóc, nghĩ lại như có một bàn tay mầu nhiệm nhúng vào. Bốn trường hợp may mắn đưa đẩy tôi thoát chết xảy ra liên tục trong vòng chưa tới hai tháng. Lần thứ nhất biệt đội 215 trong đó có tôi, vì lên thay thế biệt đội Long Mã 219 đang ở Ban Mê Thuộc trễ hai ngày, đã thoát khỏi vụ bị VC tấn công phi trường L-19 ngày 10 tháng 3 năm 75. Hai ngày sau đó, trong phi vụ yểm trợ Trung đoàn 45 tái chiếm BMT, tàu gunship tôi bị hư phải bay về Khánh Dương check tàu và nhờ đó tôi đã thoát chết, khi chiếc guns của 219 bay dùm tôi đã bị một quả SA-7 nổ tung trên trời. Cho tới ngày cuối trước khi mất Sài Gòn, sáng 29 tháng 4 vì lý do gì mà tôi được chỉ định dẫn ba chiếc guns đi bắn vòng đai Tân Sơn Nhất, và nhờ đó tôi có cơ hội thoát ra Côn Sơn. Trên đường đi ba chiếc tàu gần hết xăng giữa biển khơi mênh mông không có một chiếc tàu trong tầm mắt. May tôi nhìn thấy một chiếc tàu rất xa như một chấm đen trên biển cả mênh mông, và nhờ đó cả mấy chục pilot đã được thoát chết như một phép lạ. Đó là chưa kể đến mấy năm trường với bao nhiêu phi vụ trên vùng hỏa tuyến, tôi chưa một lần bị hiểm nguy vì đạn đạo địch. Với những sự kiện liên tục như thế, tôi thưòng nghĩ rằng con người sống chết đều do số mạng.
  
12/TSLXN:  Có một điểm tôi ghi nhận là mà anh nhớ được những chi tiết về địa lý cũng như về tên tuổi, tình tiết của những trận đánh đã xảy ra khá lâu rất là chính xác và tường tận.  Riêng tôi, khi viết về cuộc đời bay bổng của mình (tôi bay yểm trợ 8 tiếng một ngày, gần 4 năm liên tục), tôi chỉ nhớ đại khái những chiến trường mình đã tham dự, tại đâu, như thế nào, một vài cấp chỉ huy bộ binh thân thiết với mình nhất, nhưng không tài nào nhớ hết được những chi tiết.  Chỉ đặc biệt trong trường hợp như khi tôi bị rớt tàu, hay thoát chết trong đường tơ kẻ tóc thì tôi mới nhớ rõ từng chi tiết, ngày giờ.  Xin cho tôi hỏi, anh nhờ có một bộ trí nhớ tốt hay anh có giữ sổ tay hay anh hỏi lại bạn bè, hay tìm tòi trong tài liệu sách vở, internet để viết những chi tiết rất là chính xác này ?

Vĩnh Hiếu: Những ai đọc bài của tôi đều khen tôi có một trí nhớ tốt. Thật sự tôi không biết như thế, và nghĩ đó là chuyện bình thường mà ai cũng có. Mỗi khi viết về một trận đánh hay một phi vụ nào thì hinh ảnh năm xưa hiện rõ trong trí tôi như một cuốn phim. Tôi nhớ rõ ràng tất cả mọi chi tiết như mới xảy ra ngày hôm qua. Có lẽ điều này tôi đã thụ hưởng từ của Mẹ tôi. Bà có một trí nhớ phi thường cho dù đã trên chín mươi.
Dĩ nhiên tôi không thể nhớ hết tất cả mọi chi tiết, nhất là tên tuổi của những nhân vật trong bài viết, tên tuổi của những phi hành đoàn trong các phi vụ, mà phải nhờ đến bạn bè. Ngoài ra có những trận đánh hay phi vụ tôi không tham dự và chỉ viết theo lời kể lại. Một điều tuyệt đối tôi luôn áp dụng là không bao giờ lấy một chi tiết hay tin tức gì qua một nhân vật thứ ba. Có nghĩa rằng, những gì tôi nghe kể phải trực tiếp từ nhân vật đã tham dự hay có mặt trong trận đánh hay phi vụ đó. Internet cũng là một phương tiện đã giúp tôi rất nhiều. Một khám phá khá thú vị là sau một thời gian viết lách, trí nhớ của tôi tiến bộ hơn trước nhiều. Câu nói nếu cái gì mình không dùng tới thì sẽ mất đi hay ngược lại đã được chứng minh.

13/ TSLXN: Cuộc sống sau ngày định cư tại Hoa Kỳ, đã về hưu chưa hay vẫn còn đi làm?

             Vĩnh Hiếu: Thưa anh tôi không còn đi làm nữa.

14/TSLXN:  Anh đã viết nhiều về những cảm nghỉ của mình về cuộc thất trận của chúng ta mà bắt đầu bằng trận Ban Mê Thuột.  Theo anh nghĩ, nếu chúng ta không mất Ban Mê Thuột, giữ được vùng 2 năm 75, cuộc chiến rồi sẽ ngã ngủ như thế nào?

Vĩnh Hiếu: Câu hỏi của anh tương tự như câu hỏi tôi đã nêu lên trong bài viết “Ngày Tàn Cuộc Chiến”. Đó là một thắc mắc đã nằm trong đầu tôi và đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều.
Thưa anh, như chúng ta đã biết người Mỹ quyết định bỏ miền Nam từ khi đưa ra hiệp định Paris năm 68. Sau đó, chính quyền Nixon đã từ từ rút quân đội Mỹ về và thay thế đó là quân đội của Việt Nam Cộng Hòa trong chương trình “Vietnamization”. Trong chiều hướng của chiến tranh đó, viện trợ quân sự Mỹ cho miền Nam sẽ giảm dần, và cho đến năm 75 thì ngưng hẳn.
Trở lại câu hỏi của anh, nếu Tướng Phú đem hai trung đoàn tinh nhuệ của Sư đoàn 23 đến trấn giữ Ba Mê Thuột theo lời TT Thiệu, thì chúng ta sẽ không mất thành phố dễ dàng như vậy. Và cuộc chiến sẽ kéo dài cho đến khi chúng ta không còn một viên đạn để bắn, máy bay không còn xăng để bay.  Với bức tranh đó, hậu quả sẽ rõ ràng. Tổn thất hai bên sẽ lên cao, và cuối cùng quân đội miền Nam sẽ bị thảm sát hay phải đầu hàng vì hết khí giới đạn dược. Riêng về không quân, thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn lao nhất là ngành trực thăng, vì những khí giới phòng không hữu hiệu như SA-7 của địch.  Và cuối cùng chắc bài phỏng vấn này sẽ không bao giờ có. Anh hiểu ý tôi muốn nói gì rồi.

15/TSLXN:  Anh nghĩ sao về quyết định của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi ông ta ra lệnh bỏ vùng 2 để di tản?

Vĩnh Hiếu: Đây là một câu hỏi vô cùng tế nhị, và cần rất nhiều giấy bút để trả lời. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài phỏng vấn này, tôi chỉ xin vắn tắt.  
Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tại Vùng II, tôi đã tham dự từ đầu đến cuối. Sau khi Ban Mê Thuột lọt vào tay CS, ngày 14 tháng 3 năm 75, TT Thiệu đã ra lệnh Tướng Phú điều động một cuộc hành quân trực thăng vận vĩ đại để đem hai Trung đoàn 44 và 45 từ Pleiku xuống Phước An, 12 km hướng Đông của BMT. Cuộc hành quân đang diễn tiến tốt đẹp, cỡ một tiểu đoàn đã được thả xuống bãi đáp, thì đột nhiên có lệnh hủy bỏ của TT Thiệu. Và sau đó có lệnh di tản chiến thuật, dời Quân đoàn 2 từ Pleiku xuống vùng duyên hải Tuy Hòa qua con đường lộ 7B. Từ đó, sự sụp đổ của miền Nam bắt đầu.
Ngay đây chính là điểm then chốt của câu hỏi. Tại sao cuộc hành quân trực thăng vận giải cứu BMT đang diễn tiến tốt đẹp thì bị hủy bỏ. Nếu nói rằng quân đội miền Nam không đủ đạn dược xăng nhớt để tái chiếm BMT thì điều đó TT Thiệu không biết ngay từ đầu hay sao? Lý do nào hay một động lực nào đã làm cho TT Thiệu thay đổi ý định ngay giữa cuộc hành quân tái chiếm BMT?  Có phải giới lãnh đạo Hoa Kỳ sợ một cuộc thảm sát, hay tắm máu sẽ xảy ra cho dân quân miền Nam và sẽ phóng đại hình ảnh xấu của Mỹ đối với thế giới tự do vì đã bỏ rơi một nước đồng minh, nên đã nhúng tay vào và thuyết phục TT đổi chiều hướng? Chỉ có giả thuyết đó mới trả lời được những biến chuyển vô lý dồn dập trong những ngày cuối cùng của trận chiến tại miền Trung. Đó là một câu hỏi lớn mà chỉ có TT Thiệu trả lời được mà thôi.
Một điểm phù hợp cho giả thuyết đó là trong những năm lưu vong ở HK, TT Thiệu đã luôn ẩn danh và không bao giờ tuyên bố một điều gì về cuộc chiến và cũng không bao giờ viết một hồi ký nào!...Có phải ông đã giữ đúng cam kết đối với chính phủ Mỹ là sẽ giữ bí mật giao ước này. Để đánh đổi, Ông sẽ được bảo vệ của chính phủ Mỹ trong những ngày lưu vong sau này?
 Theo tôi, TT Thiệu là một người có tinh thần trách nhiệm đối với tổ quốc và cũng là một người yêu nước thật sự. Ông là một người đáng tội hơn là đáng trách về sự thất bại trong việc bảo vệ miền Nam chống lại sự xâm lấn của Cộng sản Bắc việt.

16/TSLXN:   Theo báo chí, cuộc di tản qua tỉnh lộ 7 từ Pleiku về Tuy Hòa được mô tà là một trong những cuộc di tản kinh hoàng và đau thương nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, với hàng chục ngàn người chết của cả dân lẫn lính, quân xa quân dụng trị giá hàng tỉ đô la bị bỏ lại.  Theo anh, nếu tướng Phú quyết định dùng quốc lộ 19 để đi về Qui Nhơn thay vì dùng tỉnh lộ số 7 thì tình hỉnh có thể đã thay đổi không, dân quân không chết nhiều như thế?  Anh nghĩ sao?

Vĩnh Hiếu: Tướng Phú có những lý do riêng mà tôi không thể hiểu được. Tuy nhiên con đường triệt thoái về Tuy Hòa qua  lộ 7B vẫn là con đường ngắn nhất. Nếu dùng QL-19 thì đoàn người sẽ gặp những trở ngại khác. Đèo An Khê sẽ là một chốt chặn của CS mà đoàn quân phải đụng đô. Ngoài ra địa thế hai bên Quốc lộ 19 rất hiểm trở, đoàn di tản sẽ gặp khó khăn khi bị ứ đọng trên đường.

17/TSLXN:  Tiếp tục về cuộc di tản ở Tỉnh Lộ 7, anh đã làm một nghĩa cử cao đẹp là bỏ tiền túi cùng một người anh mua bánh mì đem thả xuống cho dân chạy nạn.  Đây là một hành động cao đẹp của một người phi công Quân lực Việt Nam Cộng Hoà.  Mấy chục năm sau, khi nhớ lại đồng bào mình trong những tháng ngày đau thương cơ cực đó, anh thấy thế nào, có cảm thấy an ủi không?

Vĩnh Hiếu: Hành động thả bánh mì cho dân bằng tiền túi của mình chỉ là một phản ứng tự nhiên khi thấy cảnh thương tâm trước mắt. Tôi không cho đó là một hành động cao đẹp hay đáng nhớ, mà chỉ thấy thương cho đồng bào mình phải chịu bao thảm cảnh bi đát trên con lộ máu đó, và càng làm cho tôi thấy rõ sự tàn ác của bọn quỷ đỏ, một sản phẩm của tên đồ tể Hồ chí Minh.

18/ TSLXN:Theo anh, trước lịch sử, ai sẽ là người chịu trách nhiệm việc mất miền Nam? Tổng thống Thiệu hay cách tướng lãnh, hay là, tất cả chúng ta, những người đã cầm súng để bảo vệ quê hương nhưng đã không làm tròn bổn phận của mình?  Anh nghĩ sao?

Vĩnh Hiếu: Nói về sự thất bại của miền Nam tự do trong cuộc chiến Quốc-Cộng, có những yếu tố rất phức tạp mà không thể lấy một yếu tố đơn phương để kết luận được. Một trong những nguyên nhân lớn đó là đường lối sai lầm của chính phủ Hoa kỳ trong chiến tranh VN. Khởi đầu là việc đưa quân đội Mỹ trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, thay vì dồn mọi nỗ lực để huấn luyện cho QLVN/ CH và viện trợ vũ khí tương xứng khả dĩ có thể đương đầu lại với lực lượng Cộng sản Bắc Việt. Một thí dụ điển hình là trước năm 68, trong khi khối Cộng dùng vũ khí cá nhân mới là AK-47, thì phía miền Nam vẫn còn dùng khẩu M-1 Garrant từ thế chiến thứ II. Trên chiến trường VN, vũ khí của QLVNCH luôn luôn đi sau Bắc việt. Nguyên nhân chính yếu thứ hai là chính phủ Mỹ đã không đủ kiên nhẫn để đeo đuổi cuộc chiến tranh tốn kém và lâu dài trong khi khối Cộng một lòng yểm trợ đàn em tới cùng.
Miền Nam Việt nam đã khai sinh trong một giai đoạn lịch sử bất lợi, về mặt chính trị cũng như quân sự. Nói rõ ra là trong giai đoạn mà Cộng sản thế giới đang bành trướng mạnh. Nếu có một cái nhìn thiển cận về sự thất bại của miền Nam tự do thì một số người sẽ quy trách nhiệm cho những vị tướng lãnh hay những cấp lãnh đạo bất tài. Một điều chứng minh được về tinh thần và khả năng chiến đấu của QLVN/CH để bảo vệ miền Nam là Cộng quân chưa hề chiếm được một phần đất nào đáng kể cho đến khi Mỹ bỏ rơi miền Nam. 
19/ TSLXN:Dưới mắt anh, nói về Không Quân, ai là anh hùng hay là thần tượng của anh?

Vĩnh Hiếu: Thưa anh, đối với tôi tất cả phi công trong QLVN/CH đều là người hùng, nhưng đôi khi họ chưa có cơ hội để chứng tỏ sự can trường hay dũng khí của mình mà thôi. Tôi không phủ nhận những phi công đã mang danh trong chiến sử như Phạm Phú Quốc, Phạm Văn Thặng v…v…là những người không anh hùng. Nhưng biết bao những phi công khác đã có những hành động can trường, anh dũng và đã hy sinh một cách âm thầm ở một vùng trời biên giới xa xôi nào đó mà không được nhắc nhở tới. Trong đó có Trung úy Phạm Thành Rinh, Thiếu Úy Võ Diện trong phi đội võ trang của tôi đã bị bắn nổ tung trên vòm trời Võ Định, Kontum trong mùa hè đỏ lửa. Đối với tôi họ cũng là những người anh hùng vậy.

20/ TSLXN: Kể từ sau 75, văn chương hải ngoại có khá nhiều thay đổi, với sự xuất hiện hàng loạt của những cây bút mới, những người ngày xưa chưa hề cầm bút, và đặc biệt hơn cả là trong giới anh em quân nhân chúng ta.  Đến năm 1985, với sự xuất hiện của PC, giúp cho người ta có thể đánh được chữ Việt, in ấn dễ dàng.  Rồi đến thập niên 90, nhờ sự xuất hiện của internet, người ta có thể trao đổi, sang chuyển và chia sẻ nhiều bài vở với nhau.  Nhờ những tiện nghi văn mình tin học này, cộng đồng Việt Nam hải ngoại chúng ta thấy nhiều sách xuất bản và nhiều nhà văn mới xuất hiện.  Đây là một thời đại có thể nói văn chương hải ngoại được phát triển mau và rất huy hoàng.  Anh đi bất cứ một thành phố nào ở Hải ngoại này, hễ chỗ nào có người Việt Nam là chỗ đó có báo.  Nhiều thành phố lớn có đến hàng chục tờ.  Điều này thật là thích thú phải không anh?  Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn một chút thì chúng ta thấy thế hệ người Việt Nam còn đọc và viết được tiếng Việt càng ngày càng ít đi vì lý do dễ hiểu là những người như chúng ta một ngày một ít đi.  Anh nghĩ cỡ chừng vài chục năm nữa, nền văn chương Việt Nam tại hải ngoại có thể còn tồn tại không?

Vĩnh Hiếu: Đồng ý với anh, nhờ sự xuất hiện của internet, văn chương hải ngoại đã được phát triển một cách rộng rãi và nhanh chóng. Tuy nhiên mặt trái của internet chính là vì sự phong phú đó mà chúng ta đã bị tin tức tràn ngập quá nhiều và không còn thì giờ để chọn lọc hay đi sâu vào những văn chương có giá trị. Sách báo mất dần vị thế của nó, những văn nhân không còn tâm huyết để sáng tác.
Như anh nói, theo thời gian trôi qua, khi những thế hệ lớn tuổi của người Việt tại hải ngoại chết đi, chắc chắn nền văn chương hải ngoại sẽ biến dạng, nếu không nói là thoái hóa. Ngay bây giờ, chúng ta cũng đã từ từ thấy sự ảnh hưởng của “văn hóa” Cộng sản Việt nam qua những văn từ, âm nhạc v…v… Đó là một điều đáng tiếc mà chúng ta phải chấp nhận

21/ TSLXN: Tôi nhớ hồi mới mất nước, tôi rất căm giận Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và đổ tội cho ông là người làm mất nước.  Tôi cũng căm giận tướng Đặng Văn Quang, phụ tá an ninh Tổng thống mà theo tôi là một ông tướng buôn lậu và tham nhủng, góp phần vào việc mất nước.  Nhưng nhiều năm sau, chính chắn hơn, biết cách làm việc của người Mỹ, tôi không còn thấy giận tổng thống Thiệu nữa.  Và tướng ĐVQ cũng không phải là một ông tướng tham nhủng buôn lậu như tôi và nhiều người khác đã bị báo chí, CIA và Cộng Sản lừa.  Bây giờ cả hai người ấy đều đã khuất núi, tôi xin đốt cho họ một nén nhang. 
Tóm tắt lại, hàng tướng lãnh QLVNCH của chúng ta đã không tệ như báo chí đồn đãi.  Chúng ta đã có 5 vị tướng tự sát, nhiều sĩ quan cấp Tá cũng tự sát, vân vân.  Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều nhà báo, họ nói rằng nếu dời lại cuộc chiến Việt Nam chừng 5 năm nữa, khi mà các cấp chỉ huy trẻ được huấn luyện tại các quân trường Đà Lạt hay Thủ Đức cầm quân và giữ những chức vụ then chốt trong chính phủ thì chúng ta sẽ không bao giờ thua giặc.  Anh nghĩ sao?

Vĩnh Hiếu: Theo câu hỏi này có lẽ tôi đã đề cập đến nhiều trong câu 15 và 18, tuy nhiên để bổ túc thêm, tôi rất đồng ý với anh về những cấp chỉ huy trẻ xuất thân từ Quân trường Võ Bị hay Thủ Đức. Họ là những sĩ quan được huấn luyện kỹ càng, thấu đáo trận mạc và sẽ trở thành những vị lãnh đạo giỏi. Tuy nhiên vận nước đã đến thời mạt vận, chúng ta phải chịu chung số phận đau buồn của quê hương. Hy vọng rằng lịch sử chưa ngừng ở đây, và chế độ CS độc tài sẽ không còn tồn tại bao lâu trước thế giới rộng mở ngày hôm nay.

22/ TSLXN: Xin cám ơn anh Vĩnh Hiếu đã cho tôi cuộc phỏng vấn này.  Cũng xin cám ơn anh đã đóng góp cuốn TVTLĐ cho kho tàng văn chương lính Hải ngoại.  Không biết sau cuốn này, anh còn có định viết cuốn nào nữa hay không, xin anh cho biết.

Vĩnh Hiếu: Hiện tại tôi cũng đang viết, trong một nhịp độ chậm hơn, nhưng hy vọng trong một ngày nào đó, tôi sẽ có dịp “trình làng” một tác phẩm mới.