Hân Hoan Chào Đón Quí Vị Quan Khách, các Niên Trưởng cùng tất cả các Chiến Hữu đến với Cuốn Bút Ký Chiến trường: "Trên Vòm Trời Lửa Đạn"

Wednesday, February 22, 2012

Đặc San Lý Tưởng với tác giả TVTLD

Giai phẩm Lý Tưởng giới thiệu với bạn đọc bút ký chiến trường “TRÊN VÒM TRỜI LỬA ĐẠN” của tác giả KQ Vĩnh Hiếu.
KQ Vĩnh Hiếu anh là một cộng tác viên của giai phẩm Lý Tưởng.  Bạn đọc Lý Tưởng từng được đọc những bút ký anh viết về quãng đời chiến đấu của anh trên các trang báo của Lý Tưởng trước đây.
KQ Vĩnh Hiếu viết lại cuộc đời chiến đấu của anh với bạn đọc, như một cuộc chuyện trò, tâm sự của một KQ thời chiến với người đọc.  Ở cuộc nói chuyện này, chúng ta được anh dẫn đưa vào cuộc đời của một phi công trực thăng thời chiến dẫy đầy máu lửa, chết chóc, cùng sự cơ cực đến không ngờ!..
Nhiều bài viết, hay bút ký khi viết về đời phi công, thường mô tả cuộc đời phi công với những điều thơ mộng, lãng mạn, hoặc bay bổng hơn nữa là “ hào hùng trên không, hào hoa dưới đất”.. chỉ rất ít bài viết nói lên được những điều thực của cuộc đời phi công tác chiến.

Tác giả Vĩnh Hiếu là một, trong những người viết hiếm hoi viết về cuộc đời tác chiến của mình, mà ở đấy, nỗi chết, sự mất mát đồng đội, con tàu như chiếc hòm liệm sẵn người phi công trước mỗi chuyến bay... tất cả là thực.  Điều thực này vượt lên trên cả số mệnh hay định mệnh của con người.  Trước các phi vụ, người phi công tác chiến thừa biết những bất trắc, sự chết đang chờ đợi họ.  Nhưng điều gì đã khiến họ gác những lo lắng, bỏ qua sự phập phồng khi đối diện cái chết để chui vào con tàu, bay vào VÒM TRỜI LỬA ĐẠN”?.. Những điều này, tác giả Vĩnh Hiếu đã mô tả rất đơn giản và thường tình.  Đơn giản như việc anh châm lửa điếu thuốc lá mà anh hút.  Thường tình như bữa ăn trưa kham khổ của cuộc đời những người chiến binh như anh, như các đồng đội của anh chia nhau.
Để tìm hiểu thêm về cuộc đời của phi công thời chiến một cách xác thực và đầy đủ, không gì bằng tìm đọc cho được bút ký TRÊN VÒM TRỜI LỬA ĐẠN mà tác giả Vĩnh Hiếu đã gửi đến chúng ta, gửi đến nhiều người hôm nay, nhiều người của thế hệ thanh niên Việt Nam tiếp nối.
Giai phẩm Lý Tưởng được tác giả Vĩnh Hiếu dành cho cuộc nói chuyện, quanh bút ký TRÊN VÒM TRỜI LỬA ĐẠN của anh, và cái nhìn của anh về báo Lý Tưởng mà anh là một cộng tác viên quen thuộc.
Thay mặt cho các bạn đọc, Ban biên tập và Ban phát hành báo Lý Tưởng, cám ơn tác giả Vĩnh Hiếu đã dành thì giờ cho cuộc chuyện trò này với báo Lý Tưởng, và chân thành mời bạn đọc cùng tham dự cuộc nói chuyện này.

***

 Giai phẩm Lý Tưởng : -Anh có thể tóm tắt tiểu sử và binh nghiệp của anh cho bạn đọc Lý Tưởng được biết về anh.
 Tác giả Vĩnh Hiếu : - Thưa anh, cuộc đời binh nghiệp của tôi không dài và khá đơn giản.  Tôi gia nhập Không quân 1968, trong giai đoạn chính phủ Mỹ Việt Nam hóa chiến tranh, được gọi là Vietnamization.  Quân đội VNCH sẽ bành trướng để hay thế cho quân đội Mỹ đang rút dần khỏi chiến trường VN.
Giai đoạn đó số người gia nhập KQ rất đông.  Trung tâm Huấn luyện Nha Trang không đủ chỗ chứa một số lượng khóa sinh đông đảo như thế, một số khóa sinh được gửi đi những quân trường khác học giai đoạn I và II quân sự và riêng tôi được gửi đi học ở quân trường Quang Trung và Đồng Đế.
Sau khi tốt nghiệp giai đoạn II quân sự, tôi học bay tại Hoa Kỳ.  Đầu năm 70 sau khi mãn khóa chương trình huấn luyện trực thăng võ trang, tôi về nước và được bổ nhiệm phục vụ cho Phi đoàn 215 Thần Tượng đóng tại Nha Trang, thuộc Không Đoàn 62/ Sư đoàn 2.  Năm 1972 tôi được chỉ định làm Phi đội Trưởng Phi đội Trực thăng Võ trang cho đến ngày cuối của cuộc chiến.
 G.p. L.T.: -Trước 1975 anh có viết gì hay không, chẳng hạn như: làm thơ, viết truyện,..  Anh bắt đầu viết vào thời gian nào?.. Điều gì khiến anh cầm bút viết những bút ký chiến trường về cuộc đời bay tác chiến của anh.
 T.g. Vĩnh Hiếu : - Trước năm 75 tôi chưa hề cầm bút và cũng không bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ làm chuyện này.  Điều này cũng dễ hiểu, vì sống trong giai đoạn cuộc chiến lên cao độ nhất, đối diện với cái sống cái chết hằng ngày, cho dù có khả năng viết lách đi chăng nữa ít người có thì giờ nghĩ đến việc đó.
Sau khi cuộc chiến chấm dứt, tôi như bao nhiêu người tỵ nạn khác lưu vong xứ người.  Trong cuộc sống mới, được tự do, vật chất tương đối đầy đủ, không còn lo nhiều về sinh nhai, nhưng những năm trường chiến đấu trên bầu trời quê hương yêu dấu vẫn không bao giờ phai nhạt trong tâm tư.  Những ngày dài rong ruổi trên bầu trời cao rộng, những phi vụ đầy máu lửa, chứng kiến những người bạn đồng ngũ ra đi, gãy cánh trước mắt, luôn sống mãi trong tôi… Một cuộc sống tuy gian khổ nhưng hào hùng đầy nước mắt buồn vui có đủ.  Và muốn trở lại trong cái thế giới đó cách hay nhất là ghi trên trang giấy để mỗi lần đọc tôi có cảm tưởng như được xem lại một cuốn phim đời mình.
Ngoài ra, một mục đích khác đã khiến tôi lao đầu vào việc viết lách là muốn vinh danh những người lính VNCH đã hy sinh cho cuộc chiến, nói lên thực trạng của cuộc chiến tranh VN mà rất nhiều người chưa hiểu rõ, cũng như làm sáng tỏ một cuộc chiến đã bị bôi nhọ và bóp méo…
Trong một cuộc phỏng vấn ở một đài TV, tôi được hỏi rằng: “Có phải rằng quân đội mình vì không thực lòng hoặc thiếu khả năng chiến đấu và các tướng lãnh bỏ nước đi quá sớm trong giai đoạn cuối 30 tháng Tư, từ đó đem đến sự sụp đổ sớm hơn cho miền Nam VN hay không?”
 Với những câu hỏi như thế này, đủ chứng tỏ rằng rất nhiều người Việt đã không nhìn thấy thực chất cuộc chiến và có một cái nhìn sai lầm, phiến diện.  Trong khi sự thất bại miền Nam Tự do là Mỹ bỏ rơi chúng ta vì quyền lợi của họ cũng như thế cờ chính trị thế giới khi đó đã đổi thay.  Hiệp định Paris chỉ là một lá bài để che mắt dư luận thế giới và là một sự dàn xếp chính trị cho Hoa Kỳ dễ rút chân ra khỏi VN một cách êm đẹp hơn thôi.
Sự hiểu biết sai lầm đó là một điều đáng tiếc và đã làm tủi hổ cho bao nhiêu vong linh anh hùng tử sĩ VNCH đã hy sinh cho Tổ Quốc, Quê Hương mà không được ghi ơn một cách đúng đắn
 G.p. L.T.: -Trong khi viết, những điều gì khiến anh có thể hồi tưởng về quá khứ binh lửa của mình rõ rệt nhất?
 T.g. Vĩnh Hiếu: -Những gì tôi viết, tất cả đều xoay quanh những phi vụ đã trải qua trong những năm dài chinh chiến. Mỗi phi vụ đều có những nét chấm phá khác biệt về những giây phút vẫy vùng trên vòm trời cao, trong ngày rong ruỗi trên quê hương cẩm tú, hay là trong các phi vụ nóng bỏng hiểm nguy, những chiến công thu lượm được trên chiến trường. Tất cả điều đó đã đem lại cho tôi những cảm giác bồi hồi xúc động, buồn vui có đủ của một thời đã sống.
Có nhiều bài viết hay những đoạn văn đặc biệt đã làm tôi xúc động như đang sống theo từng dòng chữ, và lúc đó dòng lệ bất giác lăn dài trên má khi viết đến những phi vụ nhìn thấy bao người bạn đồng ngũ gãy cánh lưng trời…
Riêng nói về những điều gì khiến tôi hồi tưởng lại quá khứ binh lửa, thì quá nhiều. Nhưng trên đây, tôi chỉ nêu một vài hình ảnh nhỏ trong phạm vi hạn hẹp của trang giấy này.
Điều tôi còn nhớ rõ là phi vụ hành quân đầu tiên trên chiếc trực thăng võ trang khi mới còn là một hoa tiêu non nớt. Lúc đó mới về nước, tôi chưa hề có một mảy may khái niệm nào về khả năng của chiếc trực thăng võ trang đối đầu với những gì đã và đang xảy ra trên chiến trường VN. Tôi chỉ là một anh hoa tiêu ngờ nghệch được bỏ lên chiếc máy bay ngồi với một vị niên trưởng, nếu tôi không lầm là Đại úy Phạm Đăng Luân, sau này là Phi đoàn Trưởng Phi đoàn 219 Long Mã. Ngồi bên ghế trái nhìn vị đàn anh lái con tàu gunship bay sát trên đầu mật khu của Việt cộng. Tôi đã nhìn thấy rõ từng con đường mòn, từng ngôi nhà tranh  của VC với những luống rau xanh mướt được ngụy trang dưới tàn cây rậm rạp. Chân co rút, người ép sát vào chiếc áo giáp trước ngực, tim đập thình thịch khi nghĩ đến con tàu quá chậm chạp này sẽ là một mục tiêu quá dễ dàng đối với địch quân. Tôi đã vô cùng thán phục khi thấy vị niên trưởng bình thản điều khiển con tàu trên đầu mật khu VC mà không hề biểu lộ một cảm xúc nào. Tôi bắt đầu cảm thấy bất an và mỗi đêm về hoang mang khi nghĩ rằng mạng sống mình quá mong manh, vì đây mới chỉ là phi vụ đầu tiên trong một trận chiến dài chưa biết ngày nào chấm dứt.
Ngoài ra, một phi vụ khác đã làm cho tôi xúc động nhất phải kể đến phi vụ đánh trên ngọn đồi Charlie trong trận chiến được nhà văn Phan Nhật Nam gọi là “mùa hè đỏ lửa” năm 72. Tôi dẫn đầu sáu chiếc trực thăng của ba phi đoàn 215, 229 và 235 đánh ngay vào ngọn đồi Charlie của quân Dù thuộc Tiểu đoàn 11 của Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo. Bay chiếc trực thăng “Charlie” chỉ huy chở bộ chỉ huy Dù Lữ Đoàn 2 lúc đó là Thiếu Tá Phạm Bính PĐT 215 Thần Tượng. Phi vụ đã diễn ra trong một buổi chiều tối chập choạng khói rừng cùng khói súng, những trái hỏa tiển lao đầu vào đỉnh đồi của quân Dù đang còn đánh cận chiến với CS. Những trái rockets của sáu chiếc gunships nổ tóe lửa ngay trong căn cứ dưới những lằn đạn phòng không bắn lên trời như những ngôi sao xẹt trong bóng tối. Cũng tại ngọn đồi này trước đó vài ngày một phi hành đoàn của Thần Tượng đã bị bắn cháy và rơi xuống ngay dưới chân núi. Hình ảnh hai anh xạ thủ ngồi ép sát vào phòng lái để tránh sức nóng của ngọn lửa đang bốc cháy từ buồng máy phía sau trong khi chiếc trực thăng cố lết ra khỏi đỉnh đồi Charlie, tất cả đã ám ảnh tôi trong nhiều đêm mộng mị.
 G.p. L.T.: -Tuyển tập "Trên Vòm Trời Lửa Đạn" của anh được viết từ lúc nào và hoàn thành trong hoàn cảnh như thế nào?..
 T.g. Vĩnh Hiếu: -Tôi bắt đầu viết vào thập niên 90 với bài viết đầu tiên là “Cao Điểm 601”, ghi lại một trận đánh tôi cho là đáng nhớ.  Đó là một phi vụ yểm trợ cho một đơn vị Địa Phương Quân đóng trên đỉnh đồi cao gần đầm Trà Ổ đã bị cộng quân tràn ngập.  Tưởng chỉ là một phi vụ tầm thường, nhưng không ngờ địch quân đã chủ tâm một trận đánh diện địa để chiếm căn cứ Hải quân đóng ở Đề Gi trong giai đoạn ngưng bắn da beo.  Trong trận đó, tôi đã dùng chiến thuật “hỏa mù” để tiêu diệt được khẩu phòng không của địch.  Cũng nên biết, trực thăng võ trang không phải là “đối thủ” của những súng cao xạ vì khả năng cũng như hỏa lực yếu kém của nó.
Bài viết đó được đăng lên trong tờ Lý Tưởng, lúc đó nhà văn KQ Đào Bá Hùng tôi không lầm làm chủ bút (?).
Từ đó tôi tiếp tục viết những phi vụ đáng nhớ khác cũng như những kỷ niệm vui buồn trong đời binh nghiệp. Những bài viết bao gồm tất cả những mặt trận tại vùng II mô tả một cuộc chiến từ khi tôi bắt đầu tham dự đến lúc kết thúc. Mặt dù cuộc đời bay bổng của tôi không bao gồm chiều dài của cuộc chiến VN, nhưng nó được bắt đầu trong giai đoạn khốc liệt và cao độ nhất. Trong đó có trận chiến 100 ngày Eastern Offensive hay “Mùa hè đỏ lửa” và trận chiến vùng II tại Ban Mê Thuột trong giai đoạn triệt thoái Quân đoàn II tại Pleiku xuống vùng duyên hải Tuy Hòa vào những ngày cuối của chiến tranh VN.
Các bài viết đó nối kết lại như một cuốn phim trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, và từ đó tôi có ý định đúc kết và bổ túc lại thành một cuốn bút ký và hy vọng nó sẽ là một tư liệu ghi lại cho lịch sử cũng như cho thế hệ mai sau biết rõ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến VN nói chung và Vùng II nói riêng, ở một góc độ nhỏ cũng như ở một cái nhìn của một hoa tiêu trực thăn
 G.p. L.T.: -Trong cả tuyển tập này, anh vừa ý bài viết nào nhất?.. Tại sao?..
 T.g. Vĩnh Hiếu: - Thưa anh, mỗi bài viết trong cuốn bút ký TVTLD này đều có một sắc thái, đặc điểm riêng của nó, ghi dấu lại một kỷ niệm nào đó, hay một điều đáng nhớ.  Chẳng hạn trong bài “Chiếc Máy Cày Màu Đỏ” ghi lại một phi vụ đổ quân đánh phá hậu cần địch có tầm vóc nhỏ, nhưng bất ngờ đã trở thành một cuộc đổ quân gây tổn thất khá lớn với mấy chục xác quân du kích chỉ vì sự bất cẩn của địch bỏ quên chiếc máy cày giữa đồng trống.  Ngoài ra tôi cũng rất thích thú với những bài viết “chuyện bên lề”, nói về những phi vụ liên lạc hay huấn luyện…  Đó là những kỷ niệm vui của đời trực thăng, bay bổng phá phách nghịch ngợm của một thanh niên còn non trẻ trong cuộc chiến tranh sôi động, nóng bỏng, cuộc sống không có ngày mai.
Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi, thì phải kể đến bài “Vĩnh Biệt Nha Trang”.  Đó là một bài kể lại rất nhiều kỷ niệm về thành phố Nha Trang, trong thời gian phục vụ cho Phi đoàn 215 Thần Tượng, ở vùng đất quê hương thứ hai từ thủa còn thơ ấu.
Khi viết bài này, tôi cảm tưởng như được sống lại những giây phút hạnh phúc, sung sướng nhất trong đời.  Tôi được ở gần bên gia đình bè bạn, những người thân yêu để ngày ngày tung cánh bay vào vòm trời lửa đạn chiến đấu chống quân thù, bảo vệ Quê hương và chiều vàng trở về lại trên bầu trời quen thuộc, được nhìn xuống thành phố hiền hòa nép mình bên bờ biển cát trắng và đại dương xanh biếc.
 G.p. L.T.: -Tuyển tập "Trên vòm trời lửa đạn" được ấn hành bao nhiêu quyển?.. Số lượng bạn đọc khắp nơi đặt mua có khả quan hay không?.. Muốn tìm mua tuyển tập này, bạn đọc liên lạc với anh bằng cách nào, và cách thức gửi chi phí như thế nào?..
 T.g. Vĩnh Hiếu: - Trước khi hoàn tất cuốn TVTLD, những bài viết của tôi đã được nhiều sự ủng hộ của độc giả nói chung và Không quân nói riêng, nhất là giai đoạn trang  web “Cánh Thép” còn hiện hữu. Nhưng đến khi xuất bản cuốn bút ký này, tôi đã được sự ủng hộ nồng nhiệt của độc giả nhiều hơn tôi tưởng. Nhờ trang web
 “trenvomtroiluadan.blogspot.”
 nên cuốn sách này được phổ biến rộng rãi hơn.  Độc giả khắp nơi trên thế giới có thể mua sách một cách dễ dàng qua hệ thống Internet.  Nhiều nhất là độc giả từ Canada và Châu âu.  Cũng phải kể đến sự yểm trợ đặc biệt của anh em KQ từ Úc và sự hô hào quảng bá dùm của tờ Lý Tưởng Úc Châu do anh Vũ Văn Bảo làm chủ nhiệm.
Mặc dù đây là một cuốn bút ký chiến trường, nhưng đã được sự chiếu cố nồng nhiệt của phái nữ từ nhiều tầng lớp.  Có thể một số các bà có liên hệ tới các quân nhân, đặc biệt là các phi công, muốn tìm biết chồng mình đã sống như thế nào trong thời chiến, hay các thế hệ sau này muốn biết cha ông chúng đã chiến đấu và hy sinh như thế nào!?
Riêng những độc giả muốn tìm mua cuốn này thì có thể vào trang web
 trenvomtroiluadan.blogspot.
 ở đó có thể order sách online qua hệ thống Paypal.
Hay là liên lạc với tác giả qua email:
 trenvomtroiluadan@gmail.com
 để lấy chi tiết mua sách.
 G.p. L.T.: -Ngoài tuyển tập "Trên vòm trời lửa đạn" vừa ra mắt người đọc, anh có ý định viết thêm tuyển tập nào nữa không?  Dự kiến viết về điều gì? Khi nào có thể ra mắt người đọc?.
 T.g. Vĩnh Hiếu: - Thưa anh, tôi chỉ muốn viết về những cuộc chiến tôi đã trải qua cũng như những gì có dính líu đến đời bay bổng.  Chỉ có chủ đề đó là tôi thích thú và có hứng khởi để viết.  Nhưng viết bút ký chiến tranh rất mất thì giờ vì nó đòi hỏi một sự chính xác về thời gian cũng như địa hình địa vật.  Nhưng sau mấy chục năm trường thì những hình ảnh xưa đã phai lạt đi nhiều, và trí nhớ của mình càng ngày càng yếu đi.  Tuy nhiên trong thời gian qua tôi có viết ở một nhịp độ chậm hơn và có một số bài đã được phổ biến qua mạnh lưới trên các trang web bạn cũng như trên các đặc san Quân đội.
Hy vọng trong tương lai, nếu sức khỏe và thời giờ cho phép tôi sẽ tiếp tục viết nhiều hơn, và biết đâu sẽ có một cuốn bút ký khác ra đời.
 G.p. L.T.: -Anh từng viết cho báo Lý Tưởng trước đây?.. Anh có cái nhìn về báo Lý Tưởng như thế nào?  Anh có lời nhắn nhủ gì gửi đến Ban biên tập, bạn đọc chúng tôi?..
 T.g. Vĩnh Hiếu: - Ai đã từng ở trong KQ thì cũng phải biết đến tờ Đặc San Lý Tưởng. Nó là linh hồn của những ai đã may trên tay áo bốn chữ “Tổ Quốc Không Gian”. Nó đã gắn liền với người lính Không quân.
Như chúng ta đều biết từ khi còn ở quê nhà, từ khi Internet chưa hề có mặt trong đời sống hằng ngày, đặc san Lý Tưởng là nơi ghi lại những kỷ niệm, sinh hoạt cũng như những chiến tích hào hùng của các chàng trai tung mây lướt gió trong cuộc chiến sôi động, là nơi để liên lạc, thông tin.  Nó là một hội quán văn hóa không thể thiếu được.
Sau ngày 30 tháng 4 cho đến những năm gần đây, cho dù trong cuộc sống lưu vong, chúng ta vẫn cố gắng kết hợp tất cả anh em để cho ra được tờ ĐSLT.   Sau gần bốn mươi năm hoạt động, tờ ĐS này đã trải qua nhiều sóng gió, nhiều thay đổi trong ban điều hành, tờ báo vẫn tiếp tục đến tay bạn đọc khắp bốn phương trời.  Nhưng một hai năm gần đây, tờ ĐS đã ngưng hoạt động hẳn và tưởng chừng như không bao giờ trở lại.  Điều này đã làm cho bao nhiêu độc giả ngỡ ngàng và riêng cá nhân tôi, đã một thời đóng góp cho tờ ĐS này đã vô cùng thất vọng.
Giờ đây được tin tờ ĐS đã sống lại.  Đó là một tin đáng khích lệ và đáng mừng.  Có lẽ thành quả này là do sự cố gắng của một số người vẫn một lòng thương yêu tờ ĐS đã âm thầm hoạt động để cứu sống lại tờ báo này.  Tôi xin có một lời cám ơn tất cả, nhất là Ban biên tập và anh Phạm Hữu Dương đã bỏ công sức ra rất nhiều để làm cho tờ Lý Tưởng thành hình.
Như ai cũng rõ, công việc điều hành tờ báo này không phải dễ.  Đó là việc “vác ngà voi”, vô vụ lợi, nhưng dễ bị công khích hay phê bình.  Tuy nhiên theo tôi nghĩ, với một nội quy rõ ràng, một đường hướng vững chắc, thì anh em không có gì phải quan tâm.
Thứ nhất là với chủ trương chống cộng hàng đầu, chúng ta là những cựu chiến sĩ VNCH vẫn phải tiếp tục chiến đấu với một cuộc chiến chưa tàn dưới hình thức văn hóa.
Thứ nhì, theo truyền thống “Không quân không bỏ anh em, không bỏ bạn bè”, chúng ta hãy dùng phương tiện truyền thông của tờ báo này để làm những điều ích lợi cho tập thể KQ, giúp đỡ những anh em nào cần đến dưới nhiều hình thức khác nhau.
Nói về nội dung của tờ báo chắc chắn phải có những bài viết do sự đóng góp của tất cả mọi người.  Trong giai đoạn này, những bài viết ghi lại kỷ niệm xưa hay dấu tích oai hùng của một thời chinh chiến rất quý hiếm.  Phần vì thời gian trôi qua đã quá xa, những cây viết cũ càng ngày càng lớn tuổi, không còn sức khỏe hay thời giờ, hay không còn đề tài hay nhiệt huyết để viết nữa.  Tìm một bài viết hay và ý nghĩa thật khó.  Tuy nhiên theo tôi nghĩ chúng ta vẫn còn rất nhiều chiến hữu có rất nhiều chuyện đáng ghi lại nhưng chưa bao giờ có cơ hội cầm bút hay can đảm để viết, thì tôi thiết nghĩ Ban biên tập cũng nên khuyến khích họ làm chuyện đó.
Thời gian không còn bao nhiêu nữa cho những cựu chiến sĩ VNCH như chúng ta, hãy làm những gì làm được, với mục đích là để lại cho con em chúng ta, cho hậu thế hình ảnh trung thực của chúng ta, của Quân chủng KQ đã một thời chiến đấu oai hùng để bảo vệ quê hương bờ cõi.
Đó là một vài ý kiến thô thiển, xin được đóng góp với Ban biên tập cũng như bạn đọc.
 G.p. L.T.: -Với các đồng đội và với tập thể Không quân chúng ta anh có lời nhắn nhủ như thế nào?..
 T.g. Vĩnh Hiếu: - Thưa anh, trong thời đại mạng lưới điện tử này, việc thông tin liên lạc càng ngày càng hữu hiệu. Nó đem đến nhiều sự lợi nhuận cho cuộc sống hằng ngày. Những tổ chức, hội đoàn được thành hình và hoạt động được dễ dàng, nhanh chóng qua những hệ thống email, trên các diễn đàn hay trên những trang web.
Chính vì cái tiện lợi và nhanh chóng đó đã có một số thành phần lợi dụng, núp bóng dưới  “ngụy danh”, có thể là cộng sản len lỏi vào để chọc phá chúng ta, có thể là những cá nhân vô ý thức đã có hành động hay lời nói làm phương hại rất nhiều tới tập thể.  Ngoài ra có các thành phần khác, có thể là số nhỏ, đã không còn tôn trọng các Niên Trưởng, hay thượng cấp xưa, có lời lẽ bất kính, đôi khi vô lễ.  Điều này đã làm cho một số cựu chiến sĩ, hội viên bất mãn và không còn thiết tha với tổ chức, như đã xảy ra gần đây cho một vài hội đoàn.
Những Tổ chức Hội đoàn nói chung, và của cựu chiến sĩ nói riêng, là thành phần chống cộng tích cực, tiếp tục ngăn chặn ảnh hưởng của cộng sản V.N. đến các cộng đồng người Việt tại hải ngoại.  Một ví dụ rõ ràng là từ bao nhiêu năm qua, mặt dù miền Nam Tự Do không còn nữa, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn trên các nước hải ngoại.  Những lá Cờ-Vàng-Ba-Sọc-Đỏ vẫn luôn luôn bay phất phới khắp mọi nơi.  Nhưng ngược lại cờ CSVN, cho dù là một quốc gia được công nhận, ít khi được thấy xuất hiện ở bất cứ đâu ngoài những Tòa Lãnh Sự hay Đại Sứ v.v…của họ.   Đó là một thành quả đáng ca ngợi cho Việt kiều tại hải ngoai.
Tôi thiết nghĩ rằng anh em nên đề cao cảnh giác những thành phần đã nêu trên, tuy là một số nhỏ, nhưng có thể làm phương hại tới tinh thần đoàn kết của anh em chúng ta, đôi khi dễ đưa đến tình trạng rạn nứt hay tan vỡ.
 G.p. L.T.: -Nhìn lại quá khứ chiến đấu ngày xưa, và cho đến quãng đời tha hương sau này, anh hài lòng nhất điều gì, và có điều gì tiếc nuối gửi lại không?
 T.g. Vĩnh Hiếu: Có điều gì tôi đã hài lòng nhất sau khi nhìn lại quá khứ chiến đấu? Thật khó khi trả lời câu hỏi này.  Nếu nói tôi có gì ân hận khi nhìn lại quá khứ của những năm dài chiến đấu thì tôi có thể trả rằng tôi đã làm những gì cần phải làm của người trai trong thời loạn và tôi không còn gì phải ân hận nữa.  Có thể nói thêm rằng, tôi đã có một cuộc sống tuy gian nguy nhưng đầy thú vị, và đã làm tôi thỏa mãn được chí tang bồng hồ thỉ của người trai trẻ.
Nhưng nếu nói rằng tôi có gì hài lòng, thì xin thưa là không! Làm sao mà tôi có thể hài lòng được sau bao năm chiến đấu, đạt được bao nhiêu chiến công trên chiến trường rồi rốt cuộc cũng phải bỏ nước ra đi, để lại quê hương cho một đám CS man ri mọi rợ.  Tôi đã sống quãng đời tha hương với nhiều điều tiếc nuối.  Tiếc cho những gì mình cũng như bao chiến sĩ anh hùng đã hy sinh chiến đấu cho Tổ quốc, đã không đạt được mục đích là giữ vững miền Nam tự do chống bọn xâm lược.  Tiếc cho bao nhiêu linh hồn tử sĩ đã hy sinh một cách vô nghĩa.  Tiếc cho quê hương, xứ sở đã lọt vào tay một đám cộng phỉ đã lạm dụng danh nghĩa Độc lập, Thông Nhất để lừa gạt người dân.
Nỗi tiếc nuối này vẫn luôn luôn đeo đuổi ám ảnh tôi cho đến ngày tôi chết nếu chưa được nhìn lại quê hương trong tự do và hạnh phúc.  Và tôi nghĩ rằng nỗi ưu tư này không phải chỉ riêng mình tôi, mà có lẽ là mẫu số chung cho tất cả người Việt yêu quê hương, yêu đất nước và tự do.
 Lịch sử chưa ngừng tại đây và đang còn tiếp diễn, chính nghĩa sau cùng sẽ thắng.  Tôi hy vọng rằng, với sự thật đã phơi bày, lòng dân chán ghét và bất mãn chế độ CSVN mỗi ngày mỗi tăng, một ngày rất gần đây chúng ta, hay thế hệ kế tiếp sẽ được trở về lại quê hương trong một đất nước tự do và hạnh phúc.
 G.p. L.T.: Rất cám ơn anh đã trả lời cuộc phỏng vấn này của báo Lý Tưởng. °°°




No comments:

Post a Comment