Hân Hoan Chào Đón Quí Vị Quan Khách, các Niên Trưởng cùng tất cả các Chiến Hữu đến với Cuốn Bút Ký Chiến trường: "Trên Vòm Trời Lửa Đạn"

Wednesday, January 4, 2012

Phi Vụ Điếu Cầy - (trọn bài)

TKỷ niệm một chuyến bay cho Cố Trung Tá Trương minh Dũng, Chỉ huy trưởng Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận kiêm Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu Quảng Đức Một nén hương lòng tưởng nhớ tới Cố Đại úy Tạ Huy Kiệm, một phi công C-123K tài hoa của Phi đoàn 423, đã hy sinh trong một phi vụ tại Cửa Việt, Quảng Trị, trong mùa hè đỏ lửa 1972 



 



Phi trường Gia Nghĩa - Năm giờ chiều Ngồi trong phòng lái chờ đổ xăng tôi đưa mắt nhìn ra ngoài. Ngay trên đầu là một trần mây xám xịt thấp lè tè như những tảng bông khổng lồ cuồn cuộn kéo dài đến tận chân trời. Bụng tôi "đánh lô tô". Đường bay từ Gia Nghĩa về Nha Trang mất khoảng hơn tiếng đồng hồ và phải băng ngang một vùng núi rừng trùng điệp, ngút ngàn. Thời tiết mùa mưa cao nguyên thay đổi bất chợt, không cất cánh sớm thì sẽ không kịp về Nha Trang. Tôi nóng ruột nhìn ra sau. Người cơ khí viên phi hành (mê-vô) vừa đổ xăng xong an vị trên ghế ngồi bên hông tàu.

Tăng nhanh vòng quay cánh quạt, tôi kéo cần cao độ, chiếc trực thăng nhớm mình chúi mũi rời mặt đất, trực chỉ Đà Lạt để lại sau lưng một đám bụi đỏ tung bay. Lướt dưới bụng tàu, xác của một chiếc phi cơ vận tải C-7 bị cháy rụi chỉ còn lại phần đuôi và hai cánh đang nằm “phơi thây cùng tuế nguyệt”. Đây là một tai nạn đã xảy ra trong ngày mù sương khi chiếc máy bay Caribou của KQ/VN trú đóng tại Phù Cát, đáp hụt đầu phi đạo, đâm sầm vào sườn đồi bốc cháy.

 Phi trường Gia Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Đức, là một phi trường dã chiến nằm trên ngọn đồi được san bằng dùng cho những phi cơ có khả năng đáp phi đạo ngắn như C-123, C-7, Cessna...Tại đây tôi thường chứng kiến những xác người bọc trong “poncho” nằm sắp lớp chờ máy bay vận tải bốc về hậu cứ trong giai đoạn mặt trận bùng nổ. Mỗi xác chết được xỏ ngang một cây đòn dài cột một tấm giấy nhỏ để ghi danh tánh. Có những bao xác bị mất đầu mất chân, cụt ngủn. Đi ngang mùi tử khí bốc lên nồng nặc. Hình ảnh bi thương đó nhiều đêm theo tôi về trong những giấc ngủ trằn trọc, mộng mị. Tỉnh Quảng Đức của Đại tá Tỉnh trưởng Phạm Văn Nghìn, nằm sát với Cambochia, thành lập thời Tổng Thống Diệm để dùng làm trái độn cho vùng Lâm Đồng, Tuyên Đức, Đắc Lắc. Tiểu khu Quảng Đức gồm có ba quận: Kiến Đức, Đức Lập, Khiêm Đức cọng thêm chi khu biệt lập Đức Xuyên, nằm sát biên giới, nơi QL-14 chạy ngang, cũng là địa đầu giới tuyến đối đầu vùng xâm nhập của Cộng Sản từ đường mòn Hồ Chí Minh nên chịu nhiều áp lực của địch nhất. Tình hình mặt trận cao nguyên hiện đang lắng đọng, những phi vụ liên lạc Quảng Đức không còn nóng bỏng như thời gian trước nữa. Tàu lên cao độ. Chạy dài bên dưới là dãy Trường Sơn, cột xương sống cao nguyên Trung phần nằm ngang một vùng đất hiểm trở hoang vu nhất miền tây nguyên.

Mỗi khi ngồi trên chiếc trực thăng đơn độc bay trên vòm trời này tôi luôn có cảm giác căng thẳng, bất an. Không như những loại phi cơ khác, trực thăng bay thấp và chậm, không trang bị dù. Trong trường hợp khẩn cấp, hay tàu bị trục trặc kỹ thuật hoa tiêu cần khoảng đất trống để đáp. Bởi thế trực thăng thường bay dọc theo những con lộ nếu có thể được. Trong tuyến bay này, tìm thấy phi hành đoàn không may bị rơi rớt không khác nào như chuyện mò kim đáy biển. Ngồi bên ghế phải, người hoa tiêu phụ đang im lặng nhìn vào những dãy phi kế trước mặt. Tôi nói: - Thạch bay đi...Tới Đà Lạt rồi mình theo đường về Nha Trang cho chắc ăn! Phóng lẹ tí kẻo trời tối không kịp...Chờ cho Thiếu úy Thạch cầm cần lái xong, tôi ngã người vào lưng ghế bay, rồi móc túi lấy một điếu Capstan ra châm lửa đốt. Rít một hơi thật dài rồi phun ra trước mặt. Khói thuốc bay nhiểu loạn trong khoảng không gian nhỏ bé của phòng lái quen thuộc như một ma lực thấm sâu vào buồng phổi tạo một cảm giác tê mê, khoan khoái...

Hôm nay trên đường trở về tàu có chở thêm Thiếu tá Trương minh Dũng, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận kiêm Tham mưu trưởng Tiểu khu Quảng Đức, là người khách độc nhất quá giang về Nha Trang. Chiếc trực thăng đơn độc lầm lũi trên bầu trời xám. Tất cả im lặng ngoại trừ tiếng nổ đều đặn của động cơ cùng tiếng phành phạch của cánh quạt chém gió. Ngồi ngay sau ghế bay, Thiếu tá Dũng loay hoay mở chiếc cặp "Samsonite" để trên đùi, lấy ra một điếu cầy và gói thuốc lào đựng trong bao nylon. Thấy tôi quay lại nhìn, Thiếu tá Dũng ngẫng đầu ra dấu hỏi: - Làm một hơi không? Tôi lắc đầu cười. Tay vê viên thuốc lào nhét vào điếu cầy, Thiếu tá Dũng săm soi vài giây rồi kê lên miệng bật chiếc quẹt “Dunhill” vàng chói mồi lửa. Trong tiếng động cơ ồn ào tôi có cảm tưởng như đang nghe được tiếng rít ro ro dòn dã phát ra từ ống điếu. Khói thuốc lào bay mù mịt. Vị khách đây là cánh tay mặt của Đại tá Tỉnh trưởng Quảng Đức có biệt danh là Dũng "điếu cầy". Đi đâu bất cứ nơi nào điếu cầy là vật bất ly thân, dù là trong phòng họp, trên máy bay, trong phòng trà, quán nước…Nó được cất cẩn thận trong cái cặp Samsonite dựng đầy những xấp tiền năm trăm mới toanh chưa "cắt chỉ". Hình ảnh khá độc đáo đó đã gây sự chú ý nếu không nói là ngạc nhiên cho tôi trong lần đầu gặp gỡ. Một con người rất nghệ sĩ, là một nhà thơ sáng tác nhiều bài nói về núi rừng, nhiều bài thơ như “Tuý Ca”, “Bỏ Phố Lên Rừng”“Mưa Trên Quảng Đức”... đã được nhạc sĩ Châu Kỳ phổ nhạc.

Thiếu tá Dũng xuất thân từ Binh chủng Dù, nổi tiếng là tay chơi, hào phóng và nhất là biết “chi đẹp” cho nhân viên phi hành đoàn. Từ miếng ăn miếng uống tới những bao thư lì xì đều có đủ. Đó là điều làm những hoa tiêu trực thăng rất thích bay cho Thiếu tá Dũng. Trong tất cả quân binh chủng, giới phi hành có lẽ được nhiều ưu đãi nhất, nhưng không vì thế mà cuộc sống bớt chật vật. Với đồng lương ít ỏi, chuyện xoay xở miếng ăn cho gia đình vợ con không phải là chuyện nhỏ. Riêng ngành trực thăng may mắn hơn, ngoài nhiệm vụ chính là yểm trợ đổ quân cho những đơn vị bạn, trực thăng còn có những phi vụ biệt phái, liên lạc như: bay cho tiểu khu; bay chở "V.I.P" (hay bay chở người nhà hay "đào" của V.I.P); bay tiếp tế; bay chở các phái đoàn; chở ca sĩ, ban văn nghệ...và nhiều phi vụ không tên khác.

Những chuyến bay đó đôi khi đem đến những “lợi nhuận” bất ngờ cũng như góp phần tô điểm thêm hương vị màu sắc, cũng như những nét chấm phá cho cuộc đời phi công trực thăng phong sương gian khổ. Nói về cuộc sống vật chất thiếu thốn của đời lính, ngay giai đoạn còn ở trung học tôi có quen một số sinh viên sĩ quan không quân, trong đó có anh tên Tạ Huy Kiệm. Người cao ráo, đẹp trai. Đàn hay nhảy giỏi lại thêm một giọng nói Bắc kỳ Hà Nội ngọt như đường phèn có thể làm cho những cô gái chết lịm. Anh hay đến nhà tôi chơi trong những ngày xuất trại. Tôi biết anh ghé thăm tôi là mục đích phụ, mục đích chính là thăm bà chị ruột của tôi. Tháp tùng theo thường có hai anh bạn là Châu và Công, bộ ba "Tướng Sĩ Tượng".

Một buổi sáng Chủ nhật đẹp trời, đang đứng trước nhà trên đường Biệt Thự, một con đường quen thuộc dẫn vào Trung tâm Huấn luyện Nha Trang, thì bộ ba "Tướng Sĩ Tượng" đi ngang qua. Thấy tôi, anh Kiệm ngoắc lại gần rồi ghé tai nói nhỏ như có một chuyện gì quan trọng lắm: - “Này, vào nhà nói với bà chị cho tụi này mượn đỡ 60 chục đồng... Tuần sau trả liền... Tụi này đi ra phố làm răng mà không đủ tiền”. Lúc đó tôi không hề biết chữa răng không tốn tiền, và cũng không biết chị tôi đang đi học moi đâu ra tiền để cho mượn? Nghĩ lại những kỷ niệm buồn cười đó bây giờ tôi mới cảm thông cho đời lính nghèo. Nhiều SVSQ xuất trại không có một đồng dính túi, hay chỉ đủ tiền trả ly cà phê để được ngồi hàng giờ trong quán nước ngắm "ông đi qua bà đi lại". Vài năm sau khi tôi gia nhập không quân và khi đang thụ huấn tại Hoa Kỳ thì biết anh Tạ Huy Kiệm ra trường bay C-123K cho Phi đoàn 423. Chị tôi kể lại anh ta thường ghé nhà tôi chơi và có chở chị tôi đi nhiều lần trên chiếc vận tải của anh. Sau đó nghe tin chiếc phi cơ của anh đã bị bắn rơi tại Cửa Việt, Quảng Trị, trong giai đoạn mùa hè đỏ lửa 72. -

Bay ngang Đà Lạt mình đáp ngủ lại chơi một đêm đi anh!..Thời tiết xấu về làm gì!..Tối mình ghé “La Tulipe Rouge” nhảy đầm luôn, có Thiếu tá Dũng đây mà lo gì!.. Lâu quá không lên đây!.. Đang mơ màng qua làn khói thuốc, nhìn xuống vùng đồi núi ngoại ô Đà Lạt chạy lùi dưới bụng thì nghe tiếng Thạch “nhí” trong intercom. Trong phi đoàn tên Thạch được ghép thêm chữ "nhí", vì phong cách hippy của anh. Cách đây không lâu, trong giai đoạn trực thăng võ trang Thần Tượng biệt phái cho Phan Rang, tôi và Thạch bay lên Đà Lạt trong một phi vụ liên lạc. Tình cờ hai đứa quen được hai cô gái nhí nhảnh và đã mời họ về Phan Rang “chơi” một đêm cho biết thành phố. Một trong hai cô bé đó đã trở thành vợ sắp cưới của Thạch. Và từ đó anh chàng này nếu có dịp là chuồn lên Đà Lạt thăm đào.

 Trước lời đề nghị bất ngờ “từ ăn tới huề” của Thạch, tôi nghĩ tới vị Thiếu tá Tham mưu Trưởng Quảng Đức đang ngồi ngay sau lưng: - Thạch quên tàu mình đang chở V.I.P sao!..Nghe nói ngày mai ông có buổi họp quân đoàn gì đó...

Vị khách quá giang đang cầm điếu cầy trầm ngâm nhìn ra ngoài, không hiểu tôi và Thạch đang bàn cãi chuyện gì. Chiếc trực thăng đang ở trên không phận thành phố Đà Lạt. Như một cánh chim đơn độc một buổi chiều Thu u ám. Con tàu lướt nhanh trên những hàng thông đứng im lìm trên những đồi thấp, bên hồ Xuân Hương phẳng lì một màu xám bạc. Bay qua những thôn xóm rải rác trên sườn đồi, bay qua những con đường đất đỏ chạy quanh co giữa vườn chè, vườn mận... Trong thoáng chốc thành phố của mộng mơ nhỏ dần rồi mất hút sau đuôi tàu.

 - Lâu lắm mới có dịp ghé Đà Lạt nhảy đầm chơi,.. mà lại có Thiếu tá Dũng đi theo!..Mình cứ nói Thiếu tá Dũng trời xấu bay rất nguy hiểm,..ổng đâu có biết.

Thấy Thạch thúc hối quá, tôi gằn giọng:

- Từ từ Thạch!..Bạn muốn ghé thăm đào thì nói mẹ đi!..

Phần thì muốn có một đêm vui chơi, phần thì muốn giúp cho Thạch thăm người yêu, tôi ngần ngừ suy tính. Có lẽ cơ hội ngàn vàng này mấy khi gặp được, tôi phải quyết định gấp trước khi tàu bay quá xa...Tiến thoái lưỡng nan! Nhưng cuối cùng lòng ham vui đã thắng, trong một động tác dứt khoát, tôi kéo cần lái.

Chiếc trực thăng đang bay sát trần mây vụt bốc lên cao, chui tót vào mây mù... Xung quanh vây bủa một màu trắng xóa. Tiếng cánh quạt chém gió kêu phành phạch, thân tàu rung chuyển nhồi lên rớt xuống như chiếc ghe trên dòng nước lũ. Tôi quay lại nhìn phản ứng của vị khách đang ngồi trầm ngâm yên lặng sau lưng, rồi nghiêng người nói lớn:

- Thời tiết xấu quá! Thiếu tá Dũng nghe tôi nói chồm hẳn về phía cockpit, đảo mắt nhìn những cụm mây trắng xám chạy lùi vùn vụt về phía sau đuôi tàu:

- Nếu trời xấu quá thì đừng cố... Mình ghé Đà Lạt nghỉ đêm, mai về cũng được!

Câu nói như trúng tim đen Thạch "nhí". Anh chàng quay phắt nhìn ra ngoài cửa, cố dấu nụ cười đang nở tới mang tai.

 - Để tôi xem coi có hướng nào tốt không...Nếu mình đáp Đà Lạt tôi không biết anh em mê vô xạ thủ sẽ ăn ngủ như thế nào! Tôi cũng chưa báo cáo thời tiết với Phòng Hành quân Chiến cuộc Nha Trang nữa -

Tôi bồi thêm một phát nữa cho chắc ăn! Thiếu tá Dũng không trả lời, nhìn ra ngoài lộ rõ nét lo âu. Vùng đồi núi bắt đầu đậm màu bên dưới, ẩn ẩn hiện hiện qua làn mây trắng xám. Chừng như không muốn trao thân cho phi hành đoàn "liều mạng" này, Thiếu tá Dũng ghé vào tai tôi quả quyết:

- Anh cứ quay lại đáp Đà Lạt đáp đi!..Chuyện thông báo với cấp trên và ăn ngủ để tôi lo!.. Chỉ chờ chừng đó!.. tôi đè vội cần cao độ, bẻ cần lái, chiếc trực thăng chúi mũi, nghiêng mình 180 độ lài xuống mặt rừng thông. Trước mũi tàu, thành phố hoa đào lấp lánh mờ ảo giữa một vùng đồi núi âm u xám xịt, như đang dang rộng vòng tay chào đón những người khách tha phương lữ thứ. Trong lòng tôi bỗng rộn ràng như đứa trẻ đang đón Xuân về. Tai tôi như nghe văng vẳng tiếng hát của một bài ca trữ tình từ một vũ trường ấm cúng nào đó: Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ từng đôi đi trên phố vắng bước chân em giữa không gian, hoàng hôn thua màn đêm...

*** Khi chiếc trực thăng đáp sát bên bờ hồ cạnh nhà hàng Thủy Tạ* thì trời đã tối hẳn. Tắt máy tàu, tôi tháo seat-belt, cởi nón bay bỏ vào túi xong mở cửa phòng lái nhảy xuống đất. Không gian im lắng lạ thường. Không một tiếng động ngoại trừ tiếng đế kêu rả rích từ một bụi cỏ nào đó. Bên hông tàu người mê vô đứng chờ cột cánh quạt đang quay kêu vun vút. Trên đường cái dọc theo bờ hồ xe đã bắt đầu thưa thớt.

Đà Lạt xứ lạnh không nhộn nhịp như phố biển Nha Trang. Trời vừa tối phố xá vắng vẻ, ít người qua lại. Một cơn gió nhẹ thoáng qua, se se lạnh. Tôi kéo "fermeture" tới cổ rồi bẻ áo bay lên xong móc điếu thuốc ra hút cho ấm. Mặt hồ Xuân Hương phẳng lặng như tờ. Ngay tại đây, vài năm trước một tai nạn máy bay đã cướp mất đi một người bạn cùng khóa tôi, Trung úy Nhẫn, thuộc phi đoàn 229 Lạc Long. Chuyện xảy ra khi chiếc trực thăng bay quá thấp, lượn sát hồ ngắm mấy nữ sinh Trường Bùi Thị Xuân dạo chơi sau một ngày thi cử. Chiếc máy bay vô ý chém cột xi măng trên nóc nhà hàng Thủy Tạ nổ tung rơi xuống nước. Không một ai trên tàu sống sót.

Cũng không xa đây, ngay góc hồ dưới chân dốc Hòa Bình đi xuống, một phi công F-5 có người yêu tại thành phố này, bay biểu diễn cho người đẹp xem. Chiếc phản lực cơ cắm đầu xuống quá thấp, lủi xuống cày một một đoạn trên mặt đất rồi lao thẳng xuống hồ. Một số du khách đang thưởng ngoạn gần đó bị chết oan mạng cùng với viên phi công bất hạnh. Hồ nước thơ mộng này là nơi có nhiều hồn oan vất vưởng.

 Trong thời gian phi đội võ trang 215 Thần Tượng biệt phái cho căn cứ Phan Rang, có một phi vụ bay lên Đà Lạt mua sắm rau cải cho biệt đội. Trong chuyến bay tình cờ có cô ca sĩ Thanh Lan xin tháp tùng theo chơi. Nghe nói cô ta ghé thăm người em gái đang có chồng không quân phục vụ tại căn cứ Phan Rang. Sau khi đáp phi trường Cam Ly chúng tôi thuê một chiếc xe Lam ra phố. Gặp phải chiếc cũ, mỗi khi leo giốc nó rống lên còn hơn heo bị cắt tiết. Phi hành đoàn phải nhảy xuống đẩy phụ. Thời tiết Đà Lạt hôm ấy lạnh buốt ấy thế mà anh nào anh nấy đổ mồ hôi hột. Hình ảnh mấy anh phi công hồ hởi phấn khởi chổng mông đẩy...ca sĩ Thanh Lan lên dốc rất đúng với tinh thần lính không quân: chỉ cần đuợc hửi tí hơi người đẹp là đủ sướng rồi! Không biết cô Thanh Lan còn nhớ hay đã quên?

 Người mê vô đã cột cánh quạt xong. Chúng tôi bước trên bãi cỏ ướt đẫm sương đêm, kéo nhau ra đường đón xe.

- Bây giờ mấy anh muốn ngủ ở đâu? Thiếu tá Dũng tay cầm điếu cầy tay xách cặp Samsonite vừa đi vừa hỏi tôi.

- Tùy Thiếu tá!..Tụi tui dễ, ngủ đâu cũng được!..Nhưng nếu tiện thì ở "Tulipe Rouge" cho gần. - Thì vậy đi,.. mình đi ăn đã, anh em chắc đói bụng lắm rồi. Thạch đi bên cạnh. Tôi ghé tai nói nhỏ: - Này,..sao bạn không ghé đón đào đi ăn luôn!

- Thôi,..nhà em xa lắm. Để ăn xong tôi dzọt luôn. - Nếu bạn trở lại "Tulipe" sớm thì nhảy đầm cho vui. Còn không thì thôi... Mai mình cất cánh khoảng tám giờ nghe.

 Chiếc xe Lam đỗ trước một nhà hàng Tàu gần rạp cine' Hòa Bình thì anh em đói rã ruột. Tiệm sáng choang ánh đèn. Mùi đồ ăn đưa lên mũi thơm phức. Tôi còn nhớ tiệm này tháng trước có ghé ăn với phái đoàn Văn nghệ Trung ương trong một phi vụ liên lạc. Phái đoàn gồm có anh hề Tùng Lâm, bà Tư Sa Đéc và hai cô ca sĩ trẻ lên Đà Lạt quay phim. Chọn một cái bàn gần cửa, nhìn ra đường chạy xuống dốc bờ hồ. Bên ngoài trời đã trở lạnh. Một đôi trai gái choàng vai nhau đi ngang tiệm nhìn vào. Cô gái bận chiếc áo măng tô dài quá gối, quàng chiếc khăn len màu tím. Tóc nàng xõa xuống khuôn mặt trắng tươi thật đẹp. Gái Đà Lạt trông thật ngây thơ lãng mạn…

 Kêu rượu và thức ăn xong, Thiếu tá Dũng lúi húi mở cái cặp "Samsonite" đang để trên bàn lấy điếu cầy ra hút. Đột nhiên trong một cử chỉ rất là hốt hoảng, ông ta la lớn:

- Ấy chết...cái điếu cầy của tôi đâu rồi! Nhìn vào trong cặp không thấy điếu cầy đâu chỉ thấy những chồng giấy bạc năm trăm mới tinh và một số giấy tờ. Tôi hỏi:

 - Thiếu tá có để quên ở trên tàu không? Thạch xen vào:

- Hồi nảy đứng bờ hồ tôi thấy Thiếu tá còn cầm nó mà!..

 - Bỏ mẹ!..Vậy là tôi quên trên xe Lam rồi! Bây giờ nó chạy mất đất,..biết đâu mà kiếm. Vừa lúc đó anh bồi đem rượu và đồ nhậu đến. Để trên bàn chai Martell VS màu hổ phách trên cổ dán hình mặt trăng bạc có ba ngôi sao cùng với hai chai sô đa. Anh bồi trịnh trọng khui chai rượu ra rồi rót vào mấy cái ly sẵn đá. Bọt sủi trắng xoá. Nhìn đĩa vịt quay Bắc kinh béo ngậy bóng láng cùng dĩa gà hấp muối bốc khói cọng thêm đĩa phá lấu, tôi nuốt nước bọt. Đưa ly lên miệng, uống một hơi dài. Chất rượu ngọt đắng chảy xuống cổ họng cho một khoái cảm lên tận óc.

 - Các anh lai rai trước đi...tôi làm một hơi thuốc đã!..

Tôi trố mắt nhìn. Mất điếu cầy rồi, không hiểu hút bằng cách nào đây? Không nói một câu, Thiếu tá Dũng mở cặp “Samsonite” rút ra một tờ giấy năm trăm mới tinh. Trong một cử chỉ khoan thai chậm rãi như một nhà ảo thuật gia đang biểu diễn trước mặt khán giả, ông ta lấy hai tay xe xe tờ bạc, cuốn tròn lại như điếu thuốc. Xong lấy một đầu nhúng vào ly rượu "Cognac". Tay kia lấy bao thuốc lào, vê một viên nhét vào đầu đã nhúng ướt, rồi móc cái hộp quẹt vàng "Dunhill" trong túi áo đưa lên trước mặt, châm lửa rít một hơi dài. Đầu thuốc lóe sáng. Nín thở vài giây rồi ông ta há miệng khà ra một làn khói dày đặc. Trên khuôn mặt lờ đờ vì hơi thuốc, vị Thiếu tá mở tờ giấy bạc ra liệng vào trong cặp. Cả đám chúng tôi đưa mắt nhìn nhau như vừa được xem một “hiện tượng lạ”. -

 Anh em cứ ăn nhậu thoải mái. Chút nữa xong mình ghé phòng trà "La tulipe Rouge" nhảy đầm, rồi lấy phòng ngủ luôn.

 - Còn gì bằng... Thiếu tá! Tôi phụ họa, trong lòng thơi thới hân hoan.

Ai ngờ phi vụ biệt phái cho tiểu khu Gia Nghĩa lại đưa tới những giây phút “huy hoàng” như đêm nay! Cuộc đời bay bổng của trực thăng thường có những phi vụ bất ngờ thú vị như thế, nhưng cũng không thiếu những phi vụ trần ai, khổ ải khác.

Cũng một chuyến bay biệt phái tiểu khu Đà Lạt, tôi vẫn nhớ mãi. Những ai đã từng bay cho V.I.P không nhiều thì ít đã gặp phải. Đó là cách hành xử của đơn vị biệt phái đối với phi hành đoàn. Có những V.I.P xem hoa tiêu không hơn những anh tài xế lái xe, thái độ rất trịch thượng, hách dịch. Một ông Tướng đã cầm cái can thò qua cửa phòng lái gõ gõ lên nón bay của một phi công như là gõ vào đầu một đứa con nít, chỉ vì phi cơ đã đến trễ vì lý do kỹ thuật. Phi công là những thành phần ưu tú của QL/VNCH, được tuyển chọn kỹ càng và phải trải qua rất nhiều giai đoạn huấn luyện chuyên môn vô cùng tốn kém. Họ là những chiến sĩ va chạm cái sống cái chết hằng ngày. Họ giữ một vai trò quan trọng trong guồng máy chiến tranh cũng như đã đóng góp lớn cho sự thành bại của cuộc chiến.

Những cấp chỉ huy trong đơn vị bạn không thể có thái độ coi thường hay đối xử không tương xứng với trọng trách mà họ đang giữ. Một phi vụ mà phi hành đoàn bị “bỏ đói” trong khi thi hành công tác. Trưởng phi cơ đó không ai khác chính là tôi. Không như hoa tiêu "slick" (đổ quân), phải bay bất cứ phi vụ nào, tôi chỉ bay guns (trực thăng võ trang). Khi tình nguyện bay thì phải chọn những phi vụ biệt phái nhẹ nhàng hay có nhiều "hứa hẹn". Mỗi khi cần bay phi vụ nào, chỉ cần rỉ tai anh bạn thân, Đại úy Nguyễn Hồng Huỳnh, một phi đội trưởng nòng cốt của Phi đoàn 215 một tiếng là xong. Nhớ lại phi vụ biệt phái cho Tiểu khu Tuyên Đức, Đà Lạt. Tám giờ sáng tàu của chúng tôi đáp tại bờ Hồ Xuân Hương. Ở đó tắt máy tàu chờ hơn hai tiếng không hề thấy vị sĩ quan nào đến để liên lạc. Chúng tôi cũng không dám đi ăn sáng vì sợ lỡ ai ra không gặp. Thế là phi hành đoàn ngồi chờ.

Gần mười một giờ thì chiếc xe Jeep chở vị Đại tá Tỉnh trưởng Đà Lạt đến. Ông ta cùng với vài ba tháp tùng viên leo lên tàu không nói một lời. Tàu cất cánh đưa vị Đại tá thăm các căn cứ hỏa lực đóng dọc trên những ngọn núi trọc. Mỗi tiền đồn chúng tôi phải đáp chờ chừng nửa tiếng và không được tắt máy, đề phòng khi bị pháo kích tàu có thể cất cánh ngay. Sau khi đáp ba bốn nơi thì đã gần một giờ trưa, chúng tôi chưa hề được ăn uống gì cả. Ngồi chờ dài cổ trong phòng lái dưới ánh nắng chói chang, trong tiếng động ầm ĩ của chiếc trực thăng. Đến tiền đồn thứ ba, thì tôi bắt đầu mất kiên nhẫn. Khi phái đoàn tiễn chân vị Đại Tá Tỉnh Trưởng đến gần tàu tôi liền kéo nhẹ cần cao độ. Gió từ cánh quạt ào ào thổi, bụi đỏ tung mù mịt, vị Đại tá không nói năng dây dưa gì được, tay che mặt, tay giữ mũ cho khỏi bay rồi vội vã phóng lên sàn tàu đang mở cửa. Thấy đã quá nửa trưa, tôi quay ra sau hỏi:

- "Dạ thưa Đại Tá,.. mình về ăn cơm trưa rồi bay tiếp tục được không? Phi hành đoàn chưa ăn gì,.. thưa Đại tá”.

Ông ta nhìn đồng hồ rồi lắc đầu. Cầm cây gậy trong tay chỉ chỉ cho tôi biết phải bay đến một nơi khác nữa. Vị Đại tá có một thái độ trịch thượng, xem hoa tiêu không khác gì anh tài xế lái xe Jeep cho ông ta. Không hề quan tâm tới vấn đề ăn uống của phi hành đoàn. Tôi nhớ lúc còn học bay tại Hoa Kỳ, khóa sinh bắt buộc phải đi "mess hall" (nhà bàn) để ăn sáng trước khi bay. Bay bụng đói là vi phạm an phi. Trong phi vụ biệt phái cho Tiểu khu Đà Lạt hôm nay bay cùng với tôi là Thiếu úy Thạch trong phi đội võ trang. Hai anh em ngày nghỉ, muốn thay đổi không khí, và hy vọng tìm được một ngày thoải mái ở xứ hoa anh đào. Giây phút này, thay vì nằm phơi nắng bãi biển Nha Trang, thì lại phải ngồi cầm cần lái bụng đói meo.

Đúng là binh lũng! Sau năm bảy phút bay, dưới bầu trời hanh nắng hiện ra một đồn lính nho nhỏ cạnh con đường đất quanh co gần chân núi. Vị Đại tá chồm lên phòng lái cầm cây can chỉ chỉ xuống đất, ra hiệu cho tàu đáp. Có lẽ cái đói đã làm tôi không còn tự chủ được nữa, trong một cử chỉ dứt khoát tôi bảo Thạch:

- "Để tôi bay cho!..Mẹ,..vừa thôi chứ!.." Tôi lầm bầm trong miệng.

Vừa giật cần lái của Thạch, tôi hướng chiếc trực thăng bay dọc theo triền núi cao, nơi không khí thường bị nhiễu loạn (turbulence). Chiếc tàu rung bần bật cùng tiếng phành phạch của cánh quạt chém gió. Ngồi phía sau, vị Đại tá lo ra mặt. Khi đồn lính vừa hiện ra dưới bụng tàu, tôi đè cần cao độ, đẩy cần lái, cắm đầu xoắn ốc. Chiếc trực thăng chúi mũi rơi như hòn đá cuội. Mặt đất dâng lên vùn vụt. Vũ trụ quay cuồng, trời đất điên đảo. Vị Đại tá gục đầu, tay vịn vào lưng ghế bay. Trong khoảng khắc chiếc trực thăng đã chạm đất. Sau lưng Vị Đại tá mặt xanh như tàu lá chuối, chồm về phía cockpit ghé sát tai Thạch hét lớn:

- "Anh bay đi, đừng để co-pilot bay... Bay gì mà cao bồi quá vậy!?."

Thạch không trả lời, quay qua nhìn tôi vì biết vị Đại tá đã hiểu lầm, tưởng tôi là hoa tiêu phó khi tôi đang ngồi ghế trái - theo quy luật trực thăng, hoa tiêu phó hay là huấn luyện viên thì ngồi ghế trái, trưởng phi cơ ngồi ghế phải. Tôi không cải chánh, chỉ nói riêng cho Thạch hay để ứng phó:

 - "Thạch cứ nói cho ông Đại tá biết,.. lúc nãy nghe 'ground fire' dưới đất bắn lên, nên tôi phải bay như thế là xong chuyện !" Trong ngành trực thăng, đáp tàu theo kiểu xoắn ốc, hay "lá vàng rơi" là một động tác thường được các hoa tiêu kinh nghiệm áp dụng khi bay vào vùng không an ninh. Sau khi ngồi chịu trận trong chiếc trực thăng quay cuồng, vị Đại tá ngần ngừ không muốn xuống. Rồi trong một cử chỉ bất ngờ, ông ra hiệu cho chiếc trực thăng cất cánh bay về.

Trưa hôm đó, phi hành đoàn được "trả tự do" sớm hơn thường lệ. Anh em tự túc đón xe Lam ra phố ăn cơm và sau đó tung tăng bát phố Hòa Bình. Về phi đoàn tôi than phiền với Huỳnh "râu" về phi vụ binh lũng. Anh ta phán cho tôi một câu: mày đúng là "điếc không sợ súng!"

 Cũng tại Đà Lạt, một phi vụ khác nghĩ đến mà cười ra nước mắt. Đó là phi vụ yểm trợ cho một chiếc Chinook CH-47 đi câu (sling) một chiếc trực thăng của Phi đoàn 219 Long Mã, đóng tại Nha Trang thuộc Sư đoàn II/KQ đáp khẩn cấp gần hồ Đơn Dương. Hôm đó hai chiếc trực thăng võ trang do tôi dẫn đầu có nhiệm vụ bao vùng, bảo vệ an ninh cho chiếc Chinook và phi hành đoàn. Đây là một phi vụ hết sức nhàm chán. Không làm gì khác hơn là bay "vòng vo tam quốc" chờ chiếc trực thăng câu chiếc tàu đưa về Nha Trang. Theo tôi biết, vùng đất này là vùng “địa đàng” của hưu nai. Không biết phi hành đoàn có "công tác" gì mà lẩn quẩn ở đây để cho bị rớt? Hay có thể tàu chỉ bay ngang qua thì bị trục trặc kỷ thuật phải đáp khẩn cấp?

Để tìm giải đáp tôi cho hai chiếc trực thăng võ trang bay vòng quanh sục sạo như hai con hổ đi săn mồi. Chỉ trong vòng chục phút sau, trong intercom tôi nghe tiếng la thất thanh của anh xạ thủ:

 - "Nai!.. nai!..nai!.." Bên ghế trái, Thiếu úy Nguyễn Thanh Hùng, tự là Hùng "kiềng" phụ họa: - "Hướng mười giờ…hướng mười giờ!..”

 - “Từ từ!..nai chứ cái gì mà rùm beng!”

 Ngay giữa vùng cỏ tranh, một chú nai chà to như con ngựa đang nằm phơi xác, trên cổ nó có cột một sợi giây “seat-belt” của trực thăng rõ ràng không chối cãi.

 - “Chèn đét ơi,.. Hùng nhìn tôi, trợn mắt! Ông nội nào bắn mà bỏ lại đây dzậy cà?" Vừa nói xong, Hùng la tiếp:

 - "Nai này có nhung!” Tôi nhìn xuống thấy một cặp nhung to bằng bắp tay dài mấy tấc trên đầu con nai chà. Vào thời điểm này đúng là mùa nhung. Những cặp sừng mới mọc còn mềm màu hồng hoặc nâu nhạt, trông rất mịn sờ vào như nhung. Đó tại là tại sao sừng hươu hay nai non gọi là nhung. Nghe nói nhung hưu, nai ngâm rượu uống có tác dụng điều hòa kinh mạch, bổ dương, thận, bổ xương bổ gân...Tóm lại là bổ đủ thứ!..Bởi vậy nhung nai rất quý.

 - "Đâu còn đó...Đừng nóng!" Tôi nói.

- "Nhung cỡ này giá cả trăm ngàn đó nghe!.."

Tôi quay phắt qua nhìn Hùng: - "Này!..Trong nghề sao mà rành quá vậy?"

Hùng cười ha hả:

- "Tui đâu biết gì!..Nghe anh em nói lại...Này lạ kỳ,..tại sao con nai bị bỏ lại ở đây vậy cà?"

- "Sao bạn chậm hiểu quá vậy?..Mà chuyện này có mắc mớ gì tới mình mà bạn cứ thắc mắc!..Chuyện quan trọng đây là con nai nằm đây chết mấy ngày rồi?.. Không biết nhung đã hư chưa đây?"

- "Tôi nghĩ vùng này lạnh,..chưa hư đâu!" Anh xạ thủ nảy giờ theo dõi câu chuyện, xía vô: - "Đáp đi, để tui chặt cho!..Tui biết một tiệm thuốc bắc quen ở Đà Lạt trưa mình ghé..."

- "Trời đất ơi!..mày nữa...Toàn là 'thầy' không à!" Vừa nói với anh xạ thủ xong, tôi liền thông báo cho chiếc trực thăng võ trang số hai đang bay theo sau đuôi:

- "Hổ 2 đây Hổ 1!..Hai bay trên 'cover' nghe!..Hổ 1 đáp đây!.." Mãnh Hổ là danh hiệu của trực thăng võ trang phi đoàn 215 Thần Tượng.

 Chưa kịp nghe Hổ 2 trả lời, tôi đã đáp bên cạnh con nai chà. Cỏ mọc cao lên tới háng. Chỉ vài phút sau hai cái nhung đã nằm gọn trong túi bay để trên sàn. Trưa hôm đó hai chiếc gunships đáp ăn cơm tại Đà Lạt, chúng tôi ghé tiệm thuốc bắc. Gặp ngay ông thầy đang bốc thuốc. Ông ta cầm cặp nhung đưa lên mũi hửi hửi rồi phán cho một câu nghe rầu thúi ruột:

 - "Cái lày để lâu quá hư dzồi!" Tuy nói thế, nhưng có lẽ nể mấy anh phi công súng ống oai phong, ông thầy thuốc lấy vào với giá rẻ mạt. Trưa hôm đó anh em hai phi hành đoàn được ăn một bữa cơm trưa "trên trời rớt xuống".

 *** Vũ trường “La Tulipe Rouge” hôm nay vắng khách. Thạch thì đã biến đi gặp đào, hai người xạ thủ mê vô lên phòng ngủ sớm, còn lại mình tôi và Thiếu tá Dũng tiếp tục cuộc vui đêm nay. Đứng một lúc cho quen với bóng tối, chúng tôi lần bước theo dãy bàn trải khăn trắng toát. Qua một hàng ghế sát tường, năm sáu em ca-ve đang ngồi tán dóc. Chọn một cái bàn gần quầy rượu, chúng tôi ngồi xuống. Một anh hầu bàn bận áo trắng, quần đen thắt nơ đen lịch sự đứng gần đó bước đến. - Cho hai ly Martell! Thiếu tá Dũng lên tiếng. Ngoài sàn nhảy vài cặp đang ôm nhau dập dìu trên sóng nhạc. Phòng trà trông rất ấm cúng và lịch sự. Không thấy ai bận quân phục ngoại trừ hai chúng tôi. Ở đây có cái không khí nhẹ nhàng, thanh tao của một phòng trà xứ du lịch, không sặc mùi lính như câu lạc bộ Phượng Hoàng ở Pleiku hay hội quán Biên Thùy của Ban Mê Thuột. Khi người bồi vừa bưng khay rượu để lên bàn thì một người đàn bà bận chiếc áo sường-xám màu đỏ , có lẽ là "tài-pán" tươi cười bước tới bàn chúng tôi, nghiêng người hỏi:

- Dạ,..hai anh có cần gì không ạ?

- Cho hai cô đến đây nhé!..Thiếu tá Dũng trả lời.

Người đàn bà gật đầu quay người thoăn thoắt bước đi. Cầm ly rượu đưa lên miệng tôi uống một hơi dài. Hơi rượu thấm vào từng tế bào trong cơ thể, người tôi hứng khởi như vừa có một nguồn sinh lực mới. Tôi nhìn xung quanh, trong lòng phơi phới theo tiếng nhạc trầm bổng. Hai cô gái nhảy đang bước đến, cúi đầu chào rồi ngồi vào bàn chúng tôi. Cô gái ngồi bên tôi bận chiếc áo “soiree” đen cổ hở tới ngực, ôm sát một thân hình mảnh mai. Mái tóc tém cắt theo kiểu "demi garcon" trên khuôn mặt phảng phất nét tây phương. Nàng nhìn tôi rất thân thiện, rồi mở lời: -

 Anh!..Anh không nhớ em sao? Tôi nhíu mày.

 - Em trông quen lắm...Em có ở Nha Trang bao giờ không?

- Em là bạn gái của anh Sơn đây nè...Anh quên rồi sao?.. Lúc anh mới bước vào thấy anh bận đồ bay em nhận ra anh ngay. Có lẽ em cắt tóc ngắn anh nhận không ra.

- Có phải Sơn “năm” bay trực thăng phi đoàn 215 không?..

- Đúng rồi!..Em là bạn gái của Sơn “năm” đây! Tôi nắm lấy tay nàng:

- Trời đất ơi!..Em đây hả?..Em cắt tóc ngắn trông khác...lại tối quá anh không nhận ra em. Anh cứ tưởng em ở Sài Gòn chứ!

- Sau ngày anh Sơn mất trong vụ đụng máy bay,.. em trở lại Sài Gòn làm việc một thời gian, rồi có người mời em lên đây.

 Nghe nàng nói, hình ảnh tai nạn đau thương bỗng trở về tâm trí tôi rõ ràng như một cuốn phim quay chậm. Sơn đã tử nạn trong chuyến bay phi diễn mừng chiến thắng “mùa hè đỏ lửa”, ngay tại sân cờ của không đoàn. Hai chiếc trực thăng bay quá gần, cánh quạt chém nhau. Tàu của Sơn đâm sầm xuống đất cháy bùng như quả bom lửa. Hình ảnh xác của Sơn cháy đen co cứng trên ghế bay đã ám ảnh tôi không biết bao nhiêu ngày. Tai nạn quá phi lý! Định mạng nghiệt ngã đã chia lìa đôi tài hoa son trẻ. Từ dạo đó, tôi không còn nghe gì về bạn gái của Sơn nữa.

Trong giây phút này, trong một đêm không dự tính, tôi vô tình gặp lại người con gái đó. Nàng ngồi bên tôi đẹp kiêu sa.

 - Gặp được em,..anh vui lắm!..Em làm đây lâu chưa?

- Em mới làm có mấy tháng nay à!..Có người quen giới thiệu em lên đây làm. Vừa nói nàng vừa nắm chặt lấy tay tôi, như muốn tim lại một hình ảnh, một kỷ niệm nào đó của người yêu xưa.

 - Nhớ lại thời em ở với anh Sơn gặp mấy anh đến chơi, nhậu nhẹt hoài vui quá. Bây giờ em đâu có dịp gặp mấy anh nữa đâu? Cho em gởi lời thăm tất cả nghe anh!

 Nghe nàng nói tôi có cảm tưởng nàng đang che dấu một niềm đau chưa dứt. Tôi là chứng nhân quá nhiều vành khăn tang trên đầu những người quả phụ còn quá trẻ từ ngày bước chân về phi đoàn. Đó là cái giá quá đắt cho những người con gái lỡ yêu những chàng trai có cuộc sống mong manh như tơ trời. Tôi nhìn nàng:

- Em càng ngày càng đẹp ra đó!

- Thôi mà,..mấy ông không quân lúc nào cũng ‘nịnh đầm’ cả!..Này anh..tối nay ngọn gió nào đã đưa anh đến đây vậy?
 - Cũng tình cờ thôi em. Bay ngang đây gặp trời xấu anh phải đáp lại ngủ đêm. Em uống gì, kêu đi!

- Dạ em kêu rồi...Mình nhảy bản này nghe anh!..Bài này anh Sơn thích lắm!..

- "Limelight" phải không?

 Tôi cầm ly rượu nốc cạn một hơi rồi đứng dậy bước ra piste. Bước chân điêu luyện của nàng lướt nhẹ trên sàn gỗ bóng loáng. Ôm nàng vào lòng, làn da mịn màng trên lưng trần như có một luồng điện truyền vào cơ thể. Hai đôi chân quấn quýt với nhau, nhịp nhàng lả lướt như tiếng hát với cung đàn. Trong men rượu nồng, vũ trụ quay cuồng. Ngày mai. Tương lai. Chiến tranh. Mặt trận đẫm máu. Những thây người chết. Bạn bè nổ tung. Tôi không cần biết gì nữa! Tôi chỉ biết rằng giây phút này trong vòng tay tôi là một thân xác mềm mại dịu dàng, hơi thở ấm nồng. Tôi nhắm mắt hít thở mùi nước hoa thoang thoảng từ mái tóc nàng. Rồi trong một cử chỉ nhẹ nhàng tôi ôm sát thân thể nồng ấm đó. Một cảm giác tuyệt vời rung động cả tâm hồn lẫn thể xác.

- Anh say phải không? Nàng vừa nói vừa ngước nhìn tôi. Tôi nhìn nàng.

 - Tại sao em lại nói vậy?..

- Không em chỉ hỏi...Lúc anh mới bước vào,..nhìn thấy anh là em biết anh đã uống đâu rồi!

- Chắc vì gặp em mà anh say đó?

- Anh đừng nói thế! Nàng nhìn tôi như dò hỏi.

Tôi không nói gì nữa. Hai đứa im lặng. Mỗi người đang theo đuổi những niềm riêng. Tôi cảm nhận cuộc gặp gỡ bất ngờ này như đã khơi lại nỗi đau đã yên ngủ trong tâm thức nàng. Hình bóng của Sơn vẫn chưa phai nhạt trong tim. Dưới ánh sáng mờ ảo của đèn màu, quả tinh cầu lấp lánh phản chiếu những đốm sáng quay cuồng như những vì sao, rượt đuổi nhau trong đêm tối. Đôi mắt nàng long lanh như ngấn lệ.

Tôi lắng nghe tiếng hát người ca sĩ trên sân khấu, giọng trầm buồn, than trách... 
 Đời ca hát ngày tháng cho người mua vui Đời son phấn làm mất bao ngày thơ ngây Cùng bên ánh mầu sắc lạc lõng trong tiếng đàn hát đêm khuya Rồi bao nếp răn về với tháng năm đời lãng quên rồi...
Trong một cử chỉ bất ngờ nàng đẩy nhẹ tôi ra, rồi nắm lấy tay tôi:

- Em thấy như anh có vẻ mệt,.. hay là mình về bàn ngồi nói chuyện vui hơn phải không anh!..

Tôi đứng lại sàn nhảy nhìn quanh một lúc không thấy Thiếu tá Dũng và cô gái đâu cả. Cả hai đã biến mất tự lúc nào. Đêm chưa khuya mà một số khách đã về chỉ còn chừng bốn năm bàn ngồi rải rác. Thành phố xứ lạnh thiên hạ ưa ngủ sớm. Sau vài ly rượu hơi men đã thấm. Người khá mệt sau một ngày dài dong duỗi, tôi ngả người vào lưng ghế rồi kéo nàng lại gần hỏi:

- Từ ngày rời Nha Trang em đã gặp người nào vừa ý chưa? Nàng lắc đầu, không trả lời.

- Anh biết em kén lắm. Kiếm người vừa ý em đâu phải dễ!
- Không anh à!..Làm nghề này chỉ gặp những người đến rồi đi. Ít người thành thật…Họ chỉ muốn lợi dụng thân xác...Nhiều đêm về nghĩ đến thân phận, buồn lắm anh ơi! Bất chợt nàng quay qua nhìn tôi hỏi:

- Tối này anh ngủ ở đâu vậy? Tôi nhìn nàng, muốn biết những gì nàng đang nghĩ:

 - Anh ở tại đây, trên lầu... Nhà em ở đâu?

- Em ở với người bạn gái. Nhà gần đây, đi bộ chừng mười phút thôi.

 Giờ này trên sàn nhảy chỉ còn lưa thưa vài ba cặp. Mấy người bồi đang lăng xăng dọn dẹp những bàn trống. Lấy tay vuốt nhẹ má nàng, tôi nhìn vào khuôn mặt thanh tú, đôi mắt long lanh. Ly rượu gần cạn. Môi đã mềm, lòng rạo rực. Tôi muốn gì đêm nay!? Những thoáng chốc cuồng si rồi mai ra đi như con thuyền không bến đậu? Tư tưởng miên man quay cuồng. Tôi thấy thương nàng, thương cho cuộc đời giang hồ trôi nổi. Tay đan tay những ngón tay búp măng mềm mại. Trong một cử chỉ nhẹ nhàng tôi kề môi hôn vào má nàng rồi thì thầm:

 - Trễ rồi em à...Mình nhảy bản cuối rồi để anh đưa em về. Phòng trà giờ này đã hết người, tiếng hát buồn nghe da diết...

 Đêm mai ai đưa em về 
 Mình em trên hè phố vắng 
 Đêm mai ai đưa em về...

 Hết

No comments:

Post a Comment