Lời giới thiệu Tác Giả Bút ký chiến trường
"Trên Vòm Trời Lửa Đạn" đêm ra mắt sách tại Houston của
Không Quân Nguyễn Ngọc Bích
"Trên Vòm Trời Lửa Đạn" đêm ra mắt sách tại Houston của
Không Quân Nguyễn Ngọc Bích
Kính thưa toàn thể quí vị quan khách,
Qui niên trưởng, quí chiến hữu Quân Lực Viet Nam Cộng Hòa,
Thật là vinh dự cho tôi hôm nay đưọc đứng trước quí vị để giới thiệu một tác phẩm viết về chiến tranh.
Đó là bút ký chiến trường “Trên Vòm Trời Lửa Đạn” .
Và bút ký chiến trưòng này được viết bởi một phi công của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đó là Đại Uy phi công trực thăng Vĩnh Hiếu.
Được Đại Úy Vĩnh Hiếu xem là bạn, nên tôi xin phép quí vị cũng như Đại Uy Vĩnh Hiêu để dùng chữ “Anh” khi nói về Vĩnh Hiếu và tác phẩm của anh.
Thưa quí vị,
Nói đến một tác phẩm, tất nhiên chúng ta cũng phải nói sơ qua về người khai sinh ra nó, tức là tác giả. Thế nên, trước khi đi sâu vào tác phẩm “ Trên VòmTrời Lửa Đạn” (TVTLĐ), tôi xin nói sơ lược qua về tác giả Vĩnh Hiếu.
Anh Vĩnh Hiếu sinh ra ở Huế, mà chắc nghe qua tên, chúng ta cũng đều nhận ra anh là người thuộc Hoàng Tộc nhà Nguyễn. Khi được 6 tuổi, anh theo gia đình vào định cư ở Nha Trang. Tại đây, hàng ngày hình ảnh của những SVSQ KQ đang thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân đã hun đúc và thôi thúc ý chí cho anh gia nhập Không Quân.
Ngay sau tết Mậu Thân 1968, cùng với lệnh Tổng động Viên, anh gia nhập Không Quân. Sau đó, anh được gửi đi Hoa Kỳ học lái trực thăng. Về nước, anh trở thành một phi công trực thăng võ trang của phi đoàn Thần Tượng 215, đồn trú tại Nha Trang.
Vĩnh Hiêu đại diên cho lớp tuổi thanh niên chúng ta năm xưa, một thời hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước, cho những tháng năm chiến chinh khổ hạnh, miệt mài chiến trận để bảo vệ non sông, bảo vệ lý tưởng tự do.
Để dễ hiểu tác phẩm TVTLĐ, tôi xin mở một dấu ngoặc ở đây để nói về ngành trực thăng trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Theo tài liệu của Quân Sử Không Quân, không chỉ riêng KQVNCH mà cả QLVNCH, kế hoạch phát triển ngành trực thăng có tầm quan trọng bậc nhất và là xương sống của chương trình Việt Nam hoá chiến tranh. Bởi vì cuộc chiến tranh ở miền Nam thời đó đa được gọi một cách bán chính thức là chiến tranh của trực thăng, không chỉ vì tính cách phổ biến, sự hữu hiệu của chiến tranh trực thăng vận mà còn vì tầm quan trọng của trực thăng trong các công tác yểm trợ hoả lực, tiếp tế và nhất là tải thương.
Và trực thăng là ngành đông nhân viên phi hành nhất trong KQVNCH, có đến 20 phi đoàn với hơn 700 trực thăng UH1 và 4 phi đoàn trực thăng Chinook.
Sở dĩ tôi dài dòng nói về trực thăng để quí vị hiểu bối cảnh Vĩnh Hiếu tham gia chiến trận với tư cách một phi công trực thăng võ trang. Anh đã tung hoành ngang dọc trên khắp vùng trời Quân Khu 2 từ ngày về nước cho đến ngày tàn cuộc chiến.
Kính thưa quí vị,
Quí vị vừa nghe tôi tóm lược sơ qua về tác giả Vĩnh Hiêu. Bây giờ tôi xin đề cập đến đứa con tinh thần đầu tay của anh, bút ký chiến trường “Trên Vòm Trời Lửa Đạn” .
Trên Vòm Trời Lửa Đạn” đã được hai nhà văn tên tuổi, Đặng Chí Bình và Phạm Tín An Ninh viết lời giới thiệu tác phẩm một cách trang trọng, nói lên giá trị của quyển bút ký chiến trường nầy. Họ đặc biệt đề cao cá tính nhân bản của tác giả, một chiến sĩ tiêu biểu của QLVNCH.
Thêm vào hai tác giả trên, một nhà văn Không Quân là Niên Trưởng Võ Ý cũng viết cảm nghĩ của mình về tác phẩm này, đăng trên các trang mạng gần đây.
Thưa quí vị,
“Trên Vòm Trời Lửa Đạn” (TVTLĐ) là bút ký chiến trường xuất bản đầu năm 2012, do tác giả xuất bản. Sách dày 424 trang kể cả bìa, gồm 5 chương:
1- Những Phi Vụ Khó Quên –
2- Mặt Trận Bình Định
3- Mùa Hè Đỏ Lửa
4- Chuyện Bên Lề và
5- Ngày Tàn Cuộc Chiến.
Về bố cục, tác giả đã dành 3 chương đầu để nói về những năm tháng chiến trận liên miên trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình.
Tác giả đã cho tôi biết rằng, ngay chương đầu, trận “Cao Điểm 601” là một trận đáng nhớ nhất trong đời bay bổng của anh. Vì anh đã nghĩ ra cách thức đánh là dùng mặt trời để làm phương tiện ngụy trang, đánh từ trên cao đánh xuống, địch quân sẽ bị chói lóa mắt khi nhìn lên để bắn trả. Và chiến thuật dùng mặt trời đã không đem đến kết quả vì bị gió xuôi đã làm đạn đạo không còn chính xác. Anh bèn nghĩ ra một phương thức khác để triệt hạ khẩu phòng không, là dùng binh pháp hỏa mù. Anh đã chỉ thị chiếc võ trang số 2 xữ dụng những trái hỏa tiển khói của phi cơ quan sát chỉ dùng để đánh dấu cho khu trục, đánh gần mục tiêu để làm màn khói che mắt địch. Liền sau đó, từ trên cao độ anh cắm đầu lao xuống mục tiêu như một con chim đại bàng lăn xả vào con mồi, trút hết tất cả hỏa lực xuống cao điểm để tiêu diệt khẩu phòng không...
Đây là một sáng kiến độc đáo và anh đã chứng tỏ sự gan dạ và mưu trí của mình.
Từ chương 1 đến chương 3, tác giả đã ghi lại các trận đánh mà Vĩnh Hiếu tham chiến. Anh đã không cường điệu anh hùng cá nhân, mà đã chứng tỏ bản chất thật của con người là có những lúc sợ hãi toát mồ hôi, và anh cũng rất thực tế.
Ta hãy nghe Vĩnh Hiếu kể:
“ từ ngày khoác lên mình bộ áo phi hành với hàng ngàn giờ bay trên chiếc trực thang võ trang này, đối đầu với bao nhiêu mặt trận lớn nhỏ, tôi đã ý thức được rằng chiếc UH1 với vận tốc chậm, hoả lực hạn chế, chỉ hữu hiệu trong những phi vụ đổ quân, truy lùng du kích, đánh phá những mục tiêu có giới hạn. Đối đầu trực tiếp với hoả lực phòng không là một sự chênh lệch, không tương xứng, như trứng chọi đá. Tôi luôn luôn dè dặt, thận trọng, tránh né những hành động nguy hiểm vô ích.( TVTLD, trang 23)
Và anh kể ở trang 165:
“Tôi cảm thấy cuộc đời bay bổng của hoa tiêu trực thăng quá mong manh, mạng sống như chỉ mành treo chuông, (…) tương lai chỉ đếm từng ngày một.” (TVTLĐ, trang 165). “Có thể nói ngành trực thăng là một đơn vị tác chiến lưu động gần sát nhất với bộ binh hơn cả, có một cuộc sống phong trần gian khổ của một người lính đánh trận nhưng được hưởng tất cả ưu đãi tiện nghi của thành phố”. (TVTL Đ, trang 115)
Chiến trận dưới mắt một phi công trực thăng võ trang tàn khốc hơn là những điều chúng ta được biết. Trước những hiểm nguy rình rập của phòng không, của hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 hay của hỏa lực dưói đất(ground fires) thì phi cơ trực thăng - đặc biệt trực thăng võ trang - gánh chịu nhiều hiểm nguy hơn bất cứ các loại phi cơ tham chiến nào khác.
Vĩnh Hiếu đã kể những trận mà anh cũng như những phi công tác chiên của KLVNCH tham chiến hàng ngày. Thực ra, mỗi trận đánh hàng ngày đối với chúng tôi, đều là những chiến tích lẫy lừng mà chúng ta kiêu hãnh trong cuộc đời binh nghiệp.
Chương 4 nói về những Chuyện Bên Lề,
Đọc chương này, chúng ta hiểu tai sao, người phi công buổi sáng lao mình trong lửa đạn, buổi chiều về thành phố, tinh nghịch và ngổ ngáo tham dự các cuộc vui, vì họ đối diện với cái chết hàng ngày.
Chương 5 đặc biệt nói về những ngày cuối cùng của cuộc chiến, những bi hùng, những oan khuất mà chiến tranh đã đem lại.
Chúng ta đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng của cuôc chiến.
Bằng chứng là sự xuất trận hiên ngang và sự hy sinh lẫm liệt trong giờ thứ 25 của phi vụ khu trục A1 do Thiếu Tá Trương Phùng lái va phi vụ AC 119 Tinh Long 07 do Trung Úy Trang Van Thành lái.
Và không có quân binh chủng nào của QLVNCH có tỷ lệ sỹ quan hy sinh cao như KQVNCH.
Hôm nay, trong bối cảnh những ngày tháng tư đau buồn, Chúng ta cũng không quên những đồng đội đã hy sinh. Xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ toàn thể chiến sỹ QLVNCH và những cánh chim đã anh dũng bay vút cao đến tận cùng trong hành trình thương khó bảo vệ quê hương thân yêu.
Kính thưa quí vị,
Đó là sơ lược về tác giả va tác phâm. Anh Vĩnh Hiếu cũng ước ao tác phẩm sẽ được dịch sang Anh ngữ để làm dữ liệu cho những ai muốn tham khảo về chiến tranh Việt Nam.
Để kết thúc phần giới thiệu tác phẩm và tác giả hôm nay, một lần nữa, chúng tôi muốn đề cập đến Vĩnh Hiếu như là một phi công tiêu biểu của ngành trực thăng nói riêng mà còn là một phi công tiêu biểu của Không Lực VNCH nói chung. Điều đó có nghĩa là, không phải chỉ có Vĩnh Hiếu là một phi công kiêu hùng của KLVNCH, mà anh chỉ là một trong hàng ngàn phi công tác chiến của tất cả mọi ngành phi hành đã kiêu dũng đóng góp máu xương mình cho cuộc chiến.
Bàng bạc trong tác phẩm Trên Vòm Trời Lửa Đạn, quí vị sẽ thấy Vĩnh Hiếu, dù phải chiến trận hàng ngảy, tác xạ trực diện vào địch quân nhưng luôn luôn hành xử đầy nhân bản và giữ phong cách của một sĩ quan theo châm ngôn: “lấy chí nhân mà thay cường bạo’, và đó cũng là điểm khác biệt giữa người lính VNCH và bộ đội cộng sản. Vĩnh Hiếu đã thay chúng ta nói lên sự khác biệt ấy, là chúng ta chỉ tác xạ trực diện vào địch quân trên chiến trường, khác biệt hẳn với phe Cộng Sản, đã pháo kích bừa bãi vào thường dân vô tội. Hơn thế nữa, 37 năm sau ngày tan chiến, sự kiện Cộng Sản vẫn còn dùng đủ mọi thủ đoạn để xâm nhập , đánh phá người quốc gia chúng ta ở trong nước cũng như ở hải ngoại đã chứng tỏ bản chất tàn bạo, hèn hạ và đê tiện của chúng.
Xin cám ơn anh Vĩnh Hiếu và tất cả quí chiến hửu QLVNCH đã thể hiện phong cách hiên ngang nhưng đầy nhân bản trong suốt chiêu dài của cuộc chiến.
Xin trân trọng kính chào quí vị.
Và bây giờ, tôi xin hân hạnh giới thiệu tác giả TVTLD, anh Vĩnh Hiếu.
Không Quân Nguyễn Ngọc Bích