Hân Hoan Chào Đón Quí Vị Quan Khách, các Niên Trưởng cùng tất cả các Chiến Hữu đến với Cuốn Bút Ký Chiến trường: "Trên Vòm Trời Lửa Đạn"

Thursday, January 12, 2012

Phan Rang - Những Ngày Nhàn Hạ

Trích:
"...
Căn cứ Phan Rang với tôi là một vùng đất quá quen thuộc và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Vào năm 73, sau khi quân đội Mỹ tại Phan Rang rút lui, căn cứ được chuyển giao lại cho Không quân Việt Nam. Lực lượng phòng thủ của Không đoàn Yễm cứ tại Phan Rang không đủ nhân lực để bảo vệ hữu hiệu cho một phi trường quá rộng lớn, có chu vi hơn hai chục cây số. Một trường hợp phá hoại đã xãy ra, khi hai chiến đấu cơ F-5E do Hoa Kỳ vừa mới tăng viện đã bị đặc công Việt Cộng dùng B-40 bắn cháy. Ngay sau đó, phi đoàn Thần Tượng liền được lệnh biệt phái hai chiếc trực thăng võ trang để tăng cường bảo vệ an ninh cho vòng đai căn cứ.

Sau những trận chiếc khốc liệt của mùa hè đỏ lửa năm 72 tại Tây Nguyên cũng như tại mật khu An Lão Bồng Sơn, Bình Định, những ngày trực ứng chiến tại Phan Rang đối với chúng tôi được coi như là thiên đường.
.....................
Trong thời gian lưu trú tại đây tôi đã làm quen với số phi công khu trục. Trong đó có Thiếu tá Hạnh, Trưởng phòng Hành quân Chiến cuộc, Đại úy Dương Thiệu Chí thuộc phi đoàn Kim Ngưu 534. Riêng Thiếu tá Hạnh đã may mắn có cơ duyên thoát khỏi Việt Nam cùng với tôi trên chuyến bay định mệnh của phi đoàn Thần Tượng vào giờ phút thứ 25*.
Đặc biệt Đại úy Dương Thiệu Chí là một người tôi thường xuyên gặp gỡ. Anh thường theo tôi đi chơi trong những chuyến bay Đà Lạt, hay cùng về Nha Trang du hí tại quán Mộng nằm trên đường Biệt Thự. Có những lúc đi bay được con mễnh nào, tôi lại nhờ Đại úy Chí “giúp đỡ” khi anh đang còn làm quản lý câu lạc bộ sĩ quan. Anh Chí là nhân vật khá đặt biệt. Anh có một khuôn mặt tròn với bộ râu chỗi xể, lúc nào cũng nở nụ cười khẩy, ẩn chứa một cá tánh ngang tàng. Một lần vị chỉ huy trưởng đến thăm khu cư xá độc thân anh đang ở. Trước “barrack” có tấm bản lớn đề: “Khu độc thân ANDY”. Vị chỉ huy trưởng hỏi tại sao anh lại đặt cái tên Mỹ vô nghĩa lý như thế. Anh đã lễ phép trả lời: “ Dạ thưa Đại tá,.. đây không phải là tên Mỹ mà chữ viết tắt của “Ăn, Ngủ, Đ. I”.
Một nhân vật khác không thể nào không đề cập đến là Trung úy Lý Tống thuộc phi đoàn Ó Đen 548, phi công khu trục thuộc loại đẹp trai, cao ráo. Có thể nói Lý Tống là một phi công ngông nghênh và cứng đầu nhất trong giới phi hành, qua những “thành tích” anh đã chứng tỏ trong thời gian tại ngũ. Anh đã đi du học tại Mỹ năm 1966 nhưng vì hành hung một cấp cán bộ nên đã bị sa thải về nước. Vài năm sau, nhờ sự can thiệp của Đại tá Vũ Văn Ước, anh đã được tái gia nhập Không Quân, học Cessna (phi cơ quan sát loại nhẹ) ở trường bay Nha Trang. Đến năm 1973 Lý Tống được chuyển qua học khu trục cơ A-37 và được bổ nhiệm vào phi đoàn Ó Đen đồn trú tại Phan Rang.
Lần đầu tiên tôi gặp anh khi tham dự buổi dạ vũ do anh tổ chức trên Câu lạc bộ Sĩ Quan trên đồi, lúc anh đang làm quản lý. Vì bộ râu Hitler của anh đã làm cho tôi đặc biệt chú ý đến Lý Tống. Tôi hỏi tại sao anh lại để bộ râu trông buồn cười và quái đản như thế? Anh đã trả lời: “Vì lúc xưa còn nhỏ Hitler là thần tượng của tôi, bây giờ tôi muốn giống như hình ảnh đó!”
Trong giai đoạn này, Đại tá Đỗ Trang Phúc đang làm căn cứ trưởng. Ông là một vị Đại tá nghiêm khắc, kỷ luật và có thể nói là bảo thủ. Nhảy đầm là một điều cấm kỵ, ngay cho cả những phi công hào hoa, lả lướt. Tuy nhiên việc cấm nhảy đầm đã được hủy bỏ vì một sự kiện đã xãy ra sau đây.
Trong một buổi dạ vũ tổ chức cho Không đoàn, Lý Tống đã mướn một cô gái vũ “sexy” được trả tiền hậu hĩ để đến trước mặt Đại tá chủ tọa biểu diễn. Theo sự dàn xếp, cô gái này phải đứng ngay trước mặt bàn “VIP” nhảy múa, không được đi đâu khác.
Tối hôm đó, trong màn vũ “sexy”, thấy cô gái này múa trước mặt quá lâu trước mặt mình, Đại tá Phúc đỏ mặt vì ngượng với các bà, bèn kêu Lý Tống đến và ghé tai anh, bảo: “Chú mày bảo cô ta đi chỗ khác ngay!” Anh Lý Tống đã nhanh nhẩu trả lời: “Đại tá hoặc tiếp tục ngồi xem hoặc ra về chứ tôi không có quyền xen vào nghiệp vụ của cổ, nhất là do cô tự ‘ái mộ’ Đại tá , chứ tôi không dính dáng gì cả!”. Đại tá Phúc hỏi gằn: “Vậy chú mày muốn tao làm gì?” Lý Tống bèn trả lời: “Anh em chỉ muốn nhảy đầm như thường lệ. Đâu có Căn cứ Không Quân nào cấm nhảy đầm đâu?” Vị chỉ huy trưởng bực mình nói:“Rồi!.. Tao cho phép nhảy đầm. Xong chưa!?” Thấy Đại tá Phúc xuống giọng, anh phi công ngang bướng này lợi dụng tình thế đòi điều kiện: “Xin Đại tá phải đi một đường bay bướm trước anh em mới dám ra nhảy chứ!?” Đại tá Phúc ở vào thế chẳng đặng đừng miệng càu nhàu: “Cả đời tao chỉ có hai ông Tướng Kỳ và Tướng Minh mới bắt được tao nhảy đầm thôi. Mầy là người thứ ba làm chuyện đó!” Trước sự reo hò của tất cả mọi người trong buổi tiệc, vị Chỉ huy trưởng “recglo” này miễn cưỡng bước ra sàn nhảy.
Ngoài việc nghiêm khắc trong vấn đề ăn chơi, tóc tai của nhân viên trong căn cứ cũng được kiểm soát chặt chẽ. Tất cả nhân viên phải ăn bận chỉnh tề và đầu tóc phải luôn luôn húi cao theo tiêu chuẩn ba phân. Mỗi buổi sáng thứ Bảy tại sân cờ, Đại tá Phúc đi thanh tra với một anh Quân Cảnh. Vị nào tóc dài sẽ bị xén một đường tông đơ và sau đó sẽ tự ra tiệm điều chỉnh lấy.
Một hôm Đại tá Phúc đi ăn ở Câu Lạc Bộ Sĩ quan tình cờ gặp Lý Tống với mái tóc “hippy” đang ngồi đấu láo với bạn bè. Ông bèn hỏi: “Tại sao anh không đi chào cờ?” Lý Tống trả lời: “Thưa Đại tá, tôi bận lo kiểm tra nhà bếp nên không đi chào cờ được”. Đại tá Phúc giận dữ: “Tôi không cần biết lý do gì! Ngày mai anh trình diện tôi với đầu tóc ngắn ba phân, nghe chưa!” Sáng hôm sau Lý Tống trình diện vị Chỉ Huy Trưởng với cái đầu cạo trọc lóc cùng với bộ râu Hitler quái đản. Đại tá Phúc tức giận gọi thẳng Đại tá Không Đoàn Trưởng 92, Lê Văn Thảo, cự nự: “Thằng Lý Tống cạo trọc đầu có giấy phép bác sĩ chưa?” Cũng nên biết rằng nhân viên phi hành không được cạo đầu trừ khi có giấy đồng ý của bác sĩ vì lý do sức khỏe. Đại tá Thảo binh đệ tử, trả lời: “Tôi nghĩ ông không nên chọc tên khùng đó là hơn!”.
 Đó là một vài hành động nói lên sự ngang ngược của Lý Tống. Tuy nhiên, ngoài cá tánh dị biệt đó, anh là một phi công can đảm, lỳ lợm, không bao giờ sợ hãi trước họng súng phòng không của địch quân.
Sau khi Nha Trang mất, trong một phi vụ oanh kích để phá hủy chiếc cầu trên Quốc Lộ I, giữa Phan Rang và Nha Trang, ở cao độ bốn trăm bộ trên mặt đất, Trung úy Lý Tống đã bị hỏa tiễn phòng không bắn rơi chiếc phản lực cơ A-37 của anh và đã bị Việt Cộng bắt làm tù binh."...