Hân Hoan Chào Đón Quí Vị Quan Khách, các Niên Trưởng cùng tất cả các Chiến Hữu đến với Cuốn Bút Ký Chiến trường: "Trên Vòm Trời Lửa Đạn"

Thursday, January 19, 2012

Những Ngày Tháng Cuối

Trích:
  ..."Ngày 10 tháng 3 năm 1975 Cộng Sản Bắc Việt khởi động cuộc chiến tấn công thành phố Ban Mê Thuột. Ba ngày sau, 13 tháng 3, trái tim của miền cao nguyên đất đỏ rơi vào tay địch quân.
      Ngày 17 tháng 3, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân khỏi Quân khu II khỏi Cao nguyên, bỏ trống Kontum, Pleiku.


     Ngày 21 tháng 3 Huế thất thủ.
Ngày 24 tháng 3 Quảng Đức và Quảng Ngãi rơi vào tay Cộng quân.
Ngày 27 tháng 3, Đà Nẵng lung lay trước áp lực của Bắc Việt và lọt vào tay địch một vài ngày sau đó.
Ngày 1 tháng 4, Qui Nhơn, Phú Yên, Nha Trang hoàn toàn lọt vào tay phía Bắc Việt, 14 trên 44 tỉnh của miền Nam bị mất.
Ngày 16 tháng 4, hơn hai tuần lễ sau căn, cứ Phan Rang thất thủ.
Ngày 30 tháng 4, xe tăng Cộng Sản Bắc Việt ủi sập cổng dinh Độc Lập, chiếm thủ đô Sài Gòn. Cuộc chiến tranh Việt Nam thật sự chấp dứt khi vị Tổng Thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa là Dương văn Minh đầu hàng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 
Từ ngày Cộng Sản khởi động cuộc chiến tấn công Ban Mê Thuột đến ngày miền Nam thất thủ chưa hơn một tháng hai mươi ngày! Chiến tranh Việt Nam đã bắt đầu vì sự “dính líu” của Hoa Kỳ và sau cùng chấm dứt cũng vì sự “tháo chạy” của Hoa Kỳ.
     Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, sự bành trướng của Cộng Sản được xem như là một đe dọa lớn cho thế giới tự do. Vì lẽ đó, miền Nam Việt Nam được những nhà lãnh đạo Mỹ xem như là một “tiền đồn chống Cộng” tại vùng Đông Nam Á. Khi Cộng Sản Bắc Việt khởi sự cuộc xâm lấn, Hoa Kỳ bắt đầu yểm trợ quân sự và kinh tế cho miền Nam. Ngày 7 tháng 3 năm 1965, ba ngàn năm trăm Thuỷ quân Lục chiến của quân đội Hoa Kỳ lần đầu tiên đổ bộ lên bờ biển phía Bắc Đà Nẳng, khởi đầu giai đoạn Hoa Kỳ thực sự tham chiến vào chiến tranh Việt Nam.
Chiến tranh Việt Nam kéo dài và gia tăng cường độ. Sự thiệt hại nhân mạng của lính Mỹ lên cao, ngân quỹ chi phí cho chiến tranh càng gia tăng, cộng thêm phong trào phản chiến bành trướng mạnh trên đất Mỹ đã làm cho chính phủ Hoa Kỳ muốn rút chân ra khỏi “vũng lầy” Việt Nam.
Hòa đàm Paris được Hoa Kỳ khởi xướng năm 1968, với mục đích hòa giải đôi bên, nhưng thực chất của nó là để Hoa Kỳ có lý do rút khỏi Việt Nam mà không mất mặt đối với dư luận thế giới.
Sau chuyến viếng thăm Trung Hoa năm 1972 của Tổng Thống Nixon, sự bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng tiến triển, miền Nam Việt Nam bắt đầu mất vị thế quan trọng trong vai trò “tiền đồn chống Cộng”. Hội đàm Paris được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973, với sự đồng ý miễn cưỡng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu dưới áp lực mạnh của phía Hoa Kỳ.
Năm 1974, quốc hội Mỹ phủ quyết nghị định viện trợ tám trăm triệu đô la cho chính phủ miền Nam đang thiếu hụt đạn dược, khí giới. Đó là một bản án tử hình cho miền Nam tự do. Năm tuần sau khi nghị định phủ quyết của Quốc hội Mỹ, CSBV sửa soạn cuộc tổng công kích vào vùng Cao nguyên, sau khi biết chắc chắn Hoa Kỳ sẽ không can thiệp. Cuộc chiến tranh Việt Nam coi như sắp chấm dứt, với một kết quả thấy trước.
Đầu năm 1975, khi tình báo ghi nhận và phát giác được nhiều hoạt động của Cộng Sản dọc theo biên giới Cambochia và Lào, Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn 2 tiên đoán địch quân đang chuẩn bị một cuộc tổng công kích vào vùng Cao Nguyên. Trong buổi họp tại Quân Đoàn 2, Tổng Thống Thiệu tiên đoán rằng Bắc quân sẽ tấn công Ban Mê Thuột thay vì Pleiku. Tổng Thống Thiệu tin tưởng rằng vì Pleiku nằm giữa đồi núi trọc, địch quân sẽ không bao giờ muốn làm mồi cho phi pháo. Ngược lại Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Khu II, nghĩ rằng Cộng Sản sẽ tấn công vào Pleiku, đầu não của Quân Đoàn 2 qua những hoạt động ghi nhận được.
Thay vì đem hai Trung đoàn của Sư Đoàn 23 từ Plei xuống bảo vệ BMT, Tướng Phú chỉ để Trung đoàn 53 trấn giữ thành phố với vài ba ngàn lính địa phương. Và đúng như lời tiên đoán của Tổng Thống Thiệu, Bắc quân mở cuộc tấn công vào thành phố đất đỏ vào ngày 10 tháng 3 năm 75. Ba ngày sau Ba Mê Thuột mất vào tay Cộng Sản. Từ đó đã dẫn đến cuộc triệt thoái Cao Nguyên và đưa đến sự sụp đổ toàn diện của miền Nam. 
 Chiến tranh Việt Nam đã đi vào lịch sử. Những gì sau đây chỉ là những sự luận bàn để giải tỏa những uẩn ức, khắc khoải trong lòng tất cả những người lính đã thực sư tham chiến tại mặt trận vùng II trong những giờ phút cuối của cuộc chiến tranh phi lý này.
Hai quyết định tối quan trọng sau đây của cấp lãnh đạo trong giai đoạn tổng tấn công của CSBV, mặc dù sẽ không thay đổi được sự thắng bại, nhưng sẽ làm ảnh hưởng lớn lao đến hậu quả của cuộc chiến trong giai đoạn chung cuộc.
Hãy đi ngược dòng lịch sử với chữ “Nếu” và mỗi người Việt chúng ta sẽ suy ngẫm và tự trả lời lấy câu hỏi:
-Nếu Thiếu Tướng Phú đưa mấy trung đoàn tinh nhuệ của Sư Đoàn 23 trấn thủ Ba Mê Thuột trước khi Bắc quân mở cuộc tấn công thay vì cố thủ Pleiku hay là nếu Tổng Thống Thiệu ra lệnh tái chiếm Ba Mê Thuột bằng mọi giá, thay vì ra lệnh triệt thoái Quân Đoàn 2 về miền duyên hải trong buổi họp các Tướng lãnh cao cấp tại Cam Rang ngày 14 tháng 3 năm 1975, thì hậu quả cuộc chiến sẽ thay đổi dưới hình thức nào?
Để cho sự nhận định được khách quan, sau đây là cuộc đối thoại của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu Tướng Phạm Văn Phú trong buổi họp cao cấp, sau khi Bắc quân mở cuộc tổng công kích:
- “Thưa Tổng Thống, cho tôi được tử thủ Pleiku, giữ cao nguyên. Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn 2 trình với vị Chỉ Huy Tối Cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Tổng Thống Thiệu hỏi:  
- Tử thủ? Với quân số, đạn dược hiện có, liệu anh chiến đấu được bao nhiêu ngày với Cộng Sản?  
- Thưa Tổng Thống từ 40 đến 60 ngày.  
- Rồi sao nữa?  
Tướng Phú khựng lại, đưa mắt nhìn Tướng Viên cầu cứu, nhưng tướng Viên quay đi chỗ khác. Tướng Phú đáp:  
- Tôi sẽ chiến đấu đến cùng, cho đến khi không còn được tiếp tế súng đạn, lương thực nữa.  Và tướng Phú vẫn liều lĩnh nói với giọng hơi lớn:  
- Thưa Tổng Thống, thưa quí vị tướng lãnh, nếu rút khỏi cao nguyên năm nay, thì một cuộc tấn công khác của Cộng Sản, có thể vào năm tới, sẽ làm mất duyên hải và mất nước. Tôi và các chiến sĩ của tôi có chết ở cao nguyên bây giờ cũng không khác gì chết ở Sài Gòn trong năm tới.”  
Cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc là một cuộc chiến tranh khốc liệt, phức tạp, khó hiểu mà sự thắng bại không định đoạt bằng lòng can đảm và ý chí chiến đấu của những người lính trên chiến trường mà trên của quyền lợi của những cường quốc.
Sự sụp đổ của miền Nam Tự Do là một nổi đau đớn vô cùng tận cho những người Việt đấu tranh cho tự do, chính nghĩa. Đó là số phận chung mà tất cả chúng ta phải chấp nhận. Tuy nhiên chúng ta phải mãnh liệt tin tưởng rằng, một chế độ Cộng Sản độc tài, đảng trị sẽ không thể nào tồn tại lâu dài khi tự do và hạnh phúc của con người vẫn bị khống chế và áp bức!
Hãy nhớ rằng, lịch sử chưa ngừng tại đây và đang còn tiếp diễn..."...