Hân Hoan Chào Đón Quí Vị Quan Khách, các Niên Trưởng cùng tất cả các Chiến Hữu đến với Cuốn Bút Ký Chiến trường: "Trên Vòm Trời Lửa Đạn"

Tuesday, February 28, 2012

Võ Ý đọc: Trên Vòm Trời Lửa Đạn

Đây là bài viết của cựu Trung Tá Võ Ý, một cây viết của Không Quân, nguyên Phi đoàn Trưởng Phi đoàn 118 Bắc Đẩu trú đóng tại Pleiku, Sư Đoàn 6 KQ
* * *
    Trên Vòm Trời Lửa Đạn như thể một cuốn phim bi hùng hấp dẫn và lôi cuốn từ đầu đến cuối. Chuyện phim diễn lại những chiến trận khốc liệt tại Quân Khu II trong khoảng thời gian 1970-1975 mà tác giả Vĩnh Hiếu trực tiếp tham dự trong vai một phi công trực thăng võ trang thuộc Phi Đoàn 215 Thần Tượng, KĐ62 CT/SĐ2KQ Nha Trang. 
    Phần kết của cuốn phim diễn lại một phần trong toàn cảnh những ngày tàn của cuộc chiến qua bài viết Phi Đoàn Thần Tượng Giờ Thứ 25 (1) khi Sàigon đang hấp hối và khi Thiếu tá Lương, một phi công của chiếc trực thăng cuối cùng đã quyết định ditching (2) như hai chiếc trước và được cứu thoát lên tàu dầu Anh quốc ngoài khơi Côn Đảo trong tiếng thở phào của trên 40 đồng đội và các thủy thủ trên tàu.
  Đèn rạp bật sáng, khán giả nặng nề bước ra khỏi rạp. Im lìm, lặng lẽ...Tôi cũng im lìm lặng lẽ như họ, vì tôi cùng chung với họ nỗi đau xé ruột và nỗi uất hận ngút ngàn vì miền Nam thân yêu của họ đã bị bức tử oan nghiệt dù họ đã tận lực hiến thân dưới cờ (3).
   Quay lại từ đầu, năm lên 6, Vĩnh Hiếu đã theo cha mẹ từ Huế vào Nha Trang sinh sống. Trong máu huyết của anh đã thẩm đượm sóng xanh vỗ về và nắng hồng ấp ủ nên tâm tình của Vĩnh Hiếu cũng nồng nàn như gió biển.
   Gặp lúc đất nước nhiễu nhương, Vĩnh Hiếu gia nhập không quân vào năm 1968. Tốt nghiệp khóa bay từ Mỹ quốc, anh trở về phục vụ trong phi đội trực tăng võ trang thuộc Phi Đoàn 215 Thần Tượng, tung hoành ngang dọc khắp chiến trường Quân Khu II từ năm 1970 cho đến ngày tàn cuộc chiến (1).
   “Trên Vòm Trời Lửa Đạn” (TVTLĐ) là bút ký chiến trường chào đời cuối đông 2011, do tác giả xuất bản. Sách dày 424 trang kể cả bìa, gồm 5 chương: 1- Những Phi Vụ Khó Quên – 2- Mặt Trận Bình Định – 3- Mùa Hè Đỏ Lửa – 4- Chuyện Bên Lề và 5- Ngày Tàn Cuộc Chiến.
   Ngoại trừ Chương 4- Chuyện Bên Lề, những chương còn lại được diễn tả một cách sống động những trận chiến tự vệ và phản công quyết liệt của QLVNCH với sự yểm trợ hỏa lực của trực thăng võ trang do Vĩnh Hiếu dẫn đầu trước sức tấn công thí chốt của cộng quân.
   Tôi cũng từng bay yểm trợ những trận đánh đẫm máu tại Thăng Bình, Khe Sanh, Bồng Sơn Tam Quan, Dakto Tân Cảnh, Kontum, An Khê..., trong vai trò một phi công quan sát, nhưng tôi thật sự sững sờ sau khi đọc xong bút ký chiến trường của Vĩnh Hiếu.
   Tôi sững sờ vì nhận thấy được rằng, chiến trận dưới mắt một phi công trực thăng võ trang tàn khốc hơn là điều mà tôi đã kinh qua. Trước những hiểm nguy rình rập của phòng không, của hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 hay của ground fires thì phi cơ trực thăng - đặc biệt trực thăng võ trang - gánh chịu nhiều hiểm nguy hơn bất cứ các loại phi cơ tham chiến nào khác.
   Rõ ràng là chiếc U-H1 có dáng dấp cồng kềnh, tốc độ bình phi chừng 90 knots, khi chong chóng quay một vòng tròn khép kín thì giống như một tấm chắn bằng kim loại nhẹ có diện tích tròm trèm 168 m2 (4) cũng là một mục tiêu quá ngon lành cho phòng không của địch. Phương chi, nhiệm vụ của trực thăng lại sát cánh với bộ binh trong các cuộc đổ quân, tản thương hay tiếp tế thì chuyện thập tử nhất sinh trước hỏa lực phòng không của địch không còn là chuyện giởn cợt:
   “Tôi cảm thấy cuộc đời bay bổng của hoa tiêu trực thăng quá mong manh, mạng sống như chỉ mành treo chuông, (…) tương lai chỉ đếm từng ngày một.” (TVTLĐ, trang 165). “Có thể nói ngành trực thăng là một đơn vị tác chiến lưu động gần sát nhất với bộ binh hơn cả, có một cuộc sống phong trần gian khổ của một người lính đánh trận nhưng được hưởng tất cả ưu đãi tiện nghi của thành phố”. (TVTL Đ, trang 115).
   Có thể cảm nhận được mạng sống như chỉ mành treo chuông nên phi công Vĩnh Hiếu mới suy nghĩ đến vấn đề sinh tồn. Cổ nhân đã day: khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết mới sống. Đem cái biết áp dụng vào binh thư là biết địch biết ta. Biết trực thăng của ta giới hạn về tốc độ và hỏa lực, biết mạng sống của cán binh cộng sản được cột chặt vào các khẩu cao xạ để làm con chốt thí, thì vấn đề bảo toàn mạng sống của ta là...biết vậy!
   Điều sững sờ khác mà tôi cảm nhận được sau khi gấp sách lại, đó là, qua kinh nghiệm và mưu trí, phi công Vĩnh Hiếu đã “động não” nghĩ cho ra những chiến thuật khả dĩ giúp “giảm thiểu nguy hiểm cho ta gây tổn hại tối đa cho địch”. Những tactic tự suy nghĩ và tự áp dụng một cách linh động, có cân nhắc kỹ lưỡng dù không thông qua một lệnh lạc nào, được kể ra như sau:
   1- Đội Hình Bay:
   Trích: "Chúng tôi thường phải dùng những chiến thuật thích hợp với tình thế trên trân địa (…), ở những vùng núi rừng cao nguyên chúng tôi thường bay sát ngọn cây (…), địch không có thời gian nhắm bắn những chiếc tàu bay vút qua đầu (...). Những lúc bay ngang đường mòn HCM, tiếng động cơ ầm ỉ từ xa của chiếc trực thăng đã làm cho địch chuẩn bị. Khi chiếc số một bay qua, địch quân đủ thời giờ để gờm súng phục kích chiếc số hai. Để bảo vệ cho “wingman”, trong trường hợp nầy, tôi đổi chiến thuật và cho chiếc võ trang số hai bay song song ở khoảng cách khá xa, và cùng vượt qua đường một lần "(5).
   Phải chăng Vĩnh Hiếu đang áp dụng linh động binh thư của Tôn Tử vào đội hình bay của trực thăng võ trang?
   2- Bịt Mắt Địch
   Trong trận chiến giải tỏa “Cao Điểm 601” thuộc cửa khẩu Đề Gi Bình Định khoảng tháng 01/1973 (sau khi ký Hiệp Định đình chiến Paris, theo tác giả) mà mục tiêu là ổ súng cao xạ do địch chốt trên cao điểm đã không làm Vĩnh Hiếu nao núng. Với quyết tâm và quyền biến, anh xoay sở đủ mọi cách để nhổ cho bằng được cái chốt hung hiểm kia. Lúc đầu, anh chọn mặt trời làm phương tiện ngụy trang, từ trên cao dánh xuống theo trục ánh sáng, địch sẽ bị chói lòa mắt khi nhìn lên để bắn trả. Cách nầy không thành công vì trục oanh kích gặp gió đuôi thổi từ biển vào làm lệch đạn đạo (5).
   Trong khi chờ đổ xăng và load thêm đạn dược, Vĩnh Hiếu nghĩ ra cách thứ hai là vừa che mắt địch vừa xịt rocket trên đầu địch, muốn đánh chính xác phải vô thật sát mục tiêu. Anh phân công chiếc Hồ 2 trang bị toàn rocket khói, đánh một lần vào mục tiêu, khói che lấp mù mịt, còn Hổ 1 do anh lead đã chờ sẵn trên trục tiến: "Không một chút chậm trể, tôi đẩy cần lái, chiếc trực thăng võ trang cắm đầu như một con chim đại bàng lăng xả vào con mồi....mười bốn trái hỏa tiễn tranh nhau rời giàn phóng lao xuống mục tiêu (5).
   Quân bạn báo cáo dàn phòng thủ cũng như ổ cao xạ đã bị tiêu diệt qua đợt tấn công mưu trí nầy! (5).
   3- Dương Đông Kích Tây.
   Từ đường mòn HCM vùng Tam biên trở về hậu cứ, tác giả bất ngờ phát hiện khẩu phòng không của giặc. Thay vì bỏ qua để về nhà ngủ nghỉ yên thân, tác giả quyết ở lại để tìm cach tiêu diệt nó:
   "Nếu tôi cho wing-man của tôi bay vòng sát đầu ngọn cây phía Bắc của địch, tiếng động cơ ồn ào của cánh quạt sẽ gây chú ý của tên xạ thủ và chắc chắn nó sẽ quay mũi súng chờ đợi. Bay nhanh sát trên ngọn cây từ hướng Nam lên, tôi sẽ bất ngờ đột kích. Khẩu cao xạ nặng nề sẽ không quay họng súng kịp để tác xạ. Nếu suy luận của tôi đúng, tôi chỉ cần vài ba giây ngắn ngủi để hoàn tất sứ mạng (6)."
   Tác giả đã hoàn tất sứ mạng mission impossible ngoài phi lệnh một cách tuyệt vời với 14 trái rocket phóng xuống mục tiêu trước sự ngỡ ngàng của địch quân: "Trên đường trở về căn cứ, tôi hình dung một nụ cười mãn nguyện đang nở trên môi của Rinh nơi chín suối (6)."
   4- Đầu Đạn Fletchette.
   Trở về mặt trận Kontum, ngọn núi Chư Pao nằm bên quốc lộ 14 giữa Pleiku và Kontum đã bị địch đóng chốt. Khu trục đã oanh kích hàng ngàn tấn bom vào cao điểm nầy nhưng chưa nhổ được. Hai chiếc gunships nhận lệnh tiêu diệt chốt đóng trụ nầy. Sau vài vòng tác xạ, thấy không ăn thua gì vì công sự của địch đào sâu trong núi đá, hơn nữa, các mũi súng phòng không lại hăm le chực sẵn. Vĩnh Hiếu chọn trục tác xạ từ dưới lên để tránh các khẩu cao xạ đặt trên sườn núi không thể chỉa mũi súng xuống dưới được.
   Cách đánh nầy không thành, tàu trúng đạn ground fires, hợp đoàn đành bay về hậu cứ để refuel và reload. Lần nầy Vĩnh Hiếu quyết định trang bị “đầu nổ đinh” (fletchette warhead), đây là loại hỏa tiễn đáng sợ nhất đối với cộng quân, chuyên dùng để chống biển người (7).
   Trở lại Chu Pao, Vĩnh Hiếu báo cho Charlie (Command & Control ship) biết là, hai gunships lần nầy trang bị đầu đạn đinh. Thiếu tá Đặng Đình Vinh ngac nhiên, ông sợ như vậy sẽ sát hại cả quân bạn. Sau cùng, Thiếu tá Vinh đồng ý với yêu cầu của Vĩnh Hiếu là, quân bạn rút phòng tuyến xuống dưới chân núi chừng năm chục mét là được rồi (…): "Bảy mươi sáu trái rocket đinh của hai chiếc Mãnh Hổ nầy là nguồn hy vọng cuối cùng của chúng tôi (7)."
   Và niềm hy vọng cuối cùng của hai phi hành đoàn trực thăng võ trang gan dạ đã nhận một tín hiệu vinh quang:
-"Hổ, đây Charlie"!
-"Nghe 5."
-"Hổ khỏi lên vùng lại. Về biệt đội đáp, tắt máy nghỉ luôn, xong ngày hôm nay. Hổ, bộ binh đã nhổ được chốt của tụi nó rồi. Đếm gần 20 xác chết ghim đầy đinh sắt. Bộ Chỉ Huy có lời khen!" (7).
   “Trên Vòm Trời Lửa Đạn” đã được hai chiến sĩ Tự Do, Đặng Chí Bình và Phạm Tín An Ninh, cũng là hai nhà văn tên tuổi, viết lời giới thiệu tác phẩm một cách trang trọng nói lên giá trị chân thật, đau thương và khốc liệt về nội dung của quyển bút ký chiến trường nầy. Phảng phất đâu đó, hai vị cũng mô tả tính nhân bản của tác giả, một chiến sĩ của QLVNCH nói chung.
   Nhân đây, chúng tôi cũng xin góp một vài ghi nhận thô thiển về tác phẩm đầu tay của Vĩnh Hiếu. Là phi công ngành quan sát, chúng tôi không bao giờ dám nghĩ ra cách tiêu diệt ổ phòng không bằng hỏa lực của trực thăng võ trang. Tư lệnh diện địa cũng sẽ thận trọng như vậy. Thông thường, chúng tôi xin khu trục hoặc pháo binh để làm việc nầy.
   Phải là một chiến sĩ chịu chơi, gan dạ, liều lĩnh và mưu trí như Vĩnh Hiếu, mới dám nghĩ ra những “tactic phi quy ước” để tiêu diệt ác tâm của cộng quân. Những tactic phi quy ước được hình thành là do kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm của một phi công, và trên hết là tình yêu mà Vĩnh Hiếu dành cho Tổ Quốc Việt Nam thiêng liêng trong đó có đồng bào đồng đội và non sông cẩm tú của anh.
   Cho đến nay, chưa có một tác giả Không Quân nào viết bút ký chiến trường nói lên chiến thuật tác chiến một cách bất ngờ, sáng tạo và liều lĩnh như phi công Vĩnh Hiếu. Ngay cả Trường Chỉ Huy Tham Mưu Trung Cấp Không Quân hình như cũng chưa hề nghĩ ra cách thu thập và tổng hợp các kinh nghiệm không yểm của tất cả các loại phi cơ để viết nên những chiến thuật căn bản hầu áp dụng linh động trên chiến trường Việt Nam.
   Vì thế mà tôi sững sờ đến sung sướng khi đọc Trên Vòm Trời Lửa Đạn. Tôi biết Vĩnh Hiếu từ thời ở Nha Trang và sau nầy tai Santa Ana. Tôi cũng lai rai đọc Vĩnh Hiếu đâu đó. Tôi quen biết Vĩnh Hiếu trong tình Quân chủng. Phải đợi đến khi đọc xong tác phẩm đầu tay của anh, tôi nhìn Vĩnh Hiếu uy nghi hơn, bề thế hơn và sâu sắc hơn bởi lòng quý trọng tâm huyết của anh đối với Tổ Quốc Danh Dự Trách Nhiệm.
   Hình như niềm hãnh diện của tôi về Quân chủng cũng được nhân lên, sâu đậm và rạng rỡ hơn sau khi đọc xong Trên Vòm Trời Lửa Đan. Cám ơn Vinh Hiếu, chân thành.
   Và tôi ước mong sẽ có một nhân sĩ có lòng, chuyển ngữ Trên Vòm Trờ Lửa Đạn ra Anh ngữ, khả dĩ để cho giới truyền thông và dư luận quần chúng Mỹ biết, đã có một thời Quân Lực VNCH chiến đấu can trường như vậy.


Bắc Đẩu Võ Ý

Tháng 4/2012


Bút Ký Chiến Trường: "Trên Vòm Trời Lửa Đạn"





Chú thích:

(1) TVTLĐ – Chương 4 - Ngày Tàn Cuộc Chiến - Phi Đoàn Thần Tượng: Giờ Thứ 25, trang 397.
(2) Ditching: phi cơ hạ cánh khẩn cấp trên mặt biển.
(3) Quốc ca VNCH
(4) Theo tác giả, đường kính của cánh quạt trần của U-H1 là 48 feet, tương đương 14,63m. Diện tích vòng quay là (R bình phương x Pi) > (14,63/2)2x3,1416 # 168m2.
(5) Chữ in nghiêng, trích trong TVTLĐ – Cao Điểm 601.
(6) Chữ in nghiệng, trích trong TVTL Đ – Người Ở Lại Charlie.
Rinh ở đây tức Phạm Thành Rinh, hoa tiêu trực thăng võ trang 215, bạn tác giả, bị bắn nổ tung trên bầu trời Võ Định, Tân Cảnh cùng với Thiếu úy Võ Diện- Người Ở Lại Charlie, trang 158.
(7) Đầu đạn Flectchette. Mỗi đầu đạn có gần 3000 chiếc đinh thép, hình giống như những mũi phi tiêu nhỏ, dài cở 2 inches. Sau khi hỏa tiễn được phóng ra khỏi bó rocket với vận tốc gần như siêu thanh trong hai giây đầu tiên, đầu nổ thứ hai sẽ kích hỏa cách mặt đất chừng vài trăm bộ, phóng mấy ngàn cây đinh nhọn xuống đầu địch với tốc độ nhanh gấp đôi, đồng thời tỏa ra một cụm bụi đỏ đánh dấu vị trí khởi điểm của những mũi tên thép. In nghiêng là trích trong TVTLĐ- Mặt Trân Kontum – trang 187-189